Sẽ không có trẻ nhiễm HIV nếu...

TP - Điều trị kháng vi rút (ARV) và hỗ trợ sau khi sinh đã giúp không ít bà mẹ có HIV sinh ra những đứa trẻ không nhiễm bệnh.
Mỗi năm có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị nhiễm HIV nếu triển khai bài bản chương trình phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con (Trong ảnh: Bé L. cháu bà P., học bài)
Mỗi năm có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị nhiễm HIV
nếu triển khai bài bản chương trình phòng chống lây nhiễm
từ mẹ sang con. (Trong ảnh: Bé L. cháu bà P., học bài) .

Tuyệt vọng

Bà P. ở thành phố Điện Biên có 3 con trai. Con cả mắc nghiện và chết năm 2005, khi mới 32 tuổi, chưa lập gia đình. Con trai thứ hai và con dâu cũng mắc nghiện. Dẫu vậy, ngày biết tin con dâu có bầu, bà P. vẫn hy vọng. Nhưng đến khi con dâu vào viện sinh cháu, niềm hy vọng sụp đổ vì cả con trai và con dâu của bà đều nhiễm HIV.

Nỗi lo và sự đau đớn khi có thể mất thêm những đứa con chưa dứt thì 2 tháng sau khi sinh, tin cháu nội đầu tiên của bà cũng nhiễm HIV khiến bà suy sụp tinh thần. Không chỉ sử dụng ma túy, con trai và con dâu thứ hai còn mua bán chất ma túy. Khi họ nhận ra lầm lỗi của mình thì đã quá muộn. Mỗi khi ôm đứa con vào lòng, hai vợ chồng đều khóc trong tuyệt vọng. Anh con trai nhiều lần vừa khóc vừa nói với bà: “Con con nó vô tội. Sao phải bắt nó chịu tội?”.

Rồi, cả hai vợ chồng anh con trai thứ hai đều bị bắt. Bà P. đón cháu về nuôi. Chồng bà, ông L., bệnh nặng phải vào nằm viện. Rồi ông L qua đời. Hơn tháng sau, con trai, con dâu bà cũng chết trong trại giam. Trong hơn một năm, bà P. mất đi 4 người thân. Và đứa cháu gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ lại mang trong mình HIV luôn đối diện với mặc cảm.

Bây giờ, thời gian đã dần xóa nhòa những nỗi đau ấy, bà P. trở lại cuộc sống bình thường. Bà tham gia làm thành viên CLB Hoa Hướng Dương, nơi bà có thể được tư vấn, chia sẻ thông tin về HIV/AIDS cũng như cách chăm sóc, điều trị bệnh nhân... Tư vấn cho nhiều người nhưng bà P. lại xót cho chính mình: Giá mà con dâu bà được phát hiện sớm, được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì cháu nội bà đâu đến nỗi.

Buổi tư vấn chăm sóc cho người nhiễm HIV tại Bệnh viện Đa khoa
Điện Biên. Ảnh: Đỗ Sơn.

Hy vọng

Tại tỉnh Điện Biên, nơi có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất cả nước, tỷ lệ bà mẹ mang thai có HIV chiếm tới 2%. Nhiều bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV khi chưa được tư vấn thường sống trong tâm trạng tuyệt vọng.

Vợ chồng chị Thành cùng bị nhiễm HIV. Khi chị Thành mang thai được 6 tháng, chị cảm thấy buồn và vô cùng thất vọng. Được các bác sĩ tận tình động viên, chị Thành chịu khó uống thuốc và tuân thủ những chỉ dẫn y tế.

Thời gian đầu mới sinh con, người mẹ nhiễm HIV không được cho con bú, mà điều kiện gia đình không thể mua sữa cho bé liên tục, nên cháu bé con chị Thành chỉ được uống sữa ngoài một tháng đầu. 18 tháng trôi qua, đến ngày bé đủ điều kiện đi làm xét nghiệm. Kết quả, cả nhà chị Thành mổ gà ăn mừng vì con chị thoát khỏi căn bệnh mà bố mẹ đang mang.

Chị Mai ở huyện Mường Phăng có chồng nghiện ma túy. Khi mang bầu, chị đi xét nghiệm HIV và có kết quả dương tính. Được các bác sĩ tuyên truyền viên tư vấn, chị yên tâm điều trị với thuốc AVR. Gia đình chị Mai ngày càng sa sút bởi ông chồng nghiện nặng hơn, nhà có gì cũng ôm đi đổi lấy thuốc hút chích. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra: Con của chị sinh ra đã có kết quả âm tính với HIV. Cháu bé còn được hưởng dự án hỗ trợ sữa thay thế đến hết 6 tháng.

Ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nói: “Khi không được can thiệp, cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ có khoảng 36 cháu bé bị lây nhiễm từ mẹ. Nếu triển khai bài bản chương trình phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con, tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm xuống 5%, thậm chí 0% vào năm 2015. Như vậy, mỗi năm chúng ta có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ truyền sang”.

Ông Ân cũng cho biết, đã có 63/63 tỉnh, thành phố cung cấp miễn phí thuốc dự phòng lây truyền mẹ con. Năm 2009 có 762.323 bà mẹ được tư vấn trước sinh, 1.372 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV, tăng 2,8 lần so với năm 2006. 

Theo Báo giấy