Sẽ “cởi bỏ” áp lực cho giáo viên

Ông Nguyễn Hải Châu - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) trao đổi quanh những ý kiến cho rằng, giáo viên hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực, khiến họ căng thẳng, có thể phát sinh những hình phạt nặng với học sinh.

>> Khi thầy lẫn trò thiếu kỹ năng sống

Giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.Tân Phú, TP.HCM hướng dẫn học sinh ra về. Một lớp học hơn 50 học sinh như thế này khiến giáo viên rất mệt mỏi - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Châu nói: Chuyện giáo viên phạt học sinh thô bạo không phổ biến mà chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Vì vậy, nếu cho rằng, do áp lực thành tích, do chương trình, do điều kiện dạy học... khiến giáo viên có hành vi đáng chê trách là khiên cưỡng. Nguyên do chính ở đây phải là vấn đề bất ổn ở chính cá nhân của một số nhà giáo.

Nhưng ít nhiều những áp lực đó đã và đang ảnh hưởng xấu đến tâm lý, nhiệt huyết của nhà giáo nói chung. Vậy với trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo về chuyên môn, theo ông, cần có những can thiệp ra sao để giúp các thầy cô giáo yên tâm với nghề?

Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên dạy học bám sát chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng, nhưng ở nhiều địa phương, các cơ sở GD-ĐT giáo viên đã không thực hiện đúng. Điều đó tạo nên áp lực mà nhiều người cho rằng do chương trình nặng, do đặt ra yêu cầu quá cao với những đối tượng học sinh có năng lực không tương ứng, do mục tiêu thi cử...

Vì vậy, từ đầu năm học, chúng tôi đã cố gắng chỉ đạo, hướng dẫn nhằm điều chỉnh bất cập này.

Cụ thể, trong nội dung dạy học, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá sẽ bám sát chuẩn tối thiểu và đối tượng học sinh. Giáo viên cũng theo đó điều chỉnh những công việc liên quan đến dạy học; việc kiểm tra, đánh giá hiệu suất công việc của giáo viên cũng phải điều chỉnh.

Tới đây, ngoài việc hướng dẫn, chúng tôi sẽ đi kiểm tra việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục để kiến nghị chấn chỉnh những vấn đề chưa hợp lý, trong đó có tình trạng gây áp lực cho giáo viên trong dạy học nhằm chạy theo thành tích.

Theo ông, với hành vi phạt học sinh của thầy B, việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc có quá nặng không khi đằng sau có thể có những áp lực khiến họ không giữ được sự đúng mực của nhà giáo?

Xem xét kỷ luật đối với một nhà giáo cụ thể phải căn cứ vào trường hợp cụ thể. Nếu hành vi thô bạo với học sinh xuất phát từ cá tính của người thầy, lặp đi lặp lại nhiều lần và mức độ vi phạm quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe học sinh thì sẽ phải cân nhắc để chuyển họ sang làm công việc khác, không trực tiếp đứng lớp.

Nhưng nếu xung quanh việc làm của người thầy đó có những tác động khách quan, có những tình tiết đẩy họ vào hành động bột phát, không cố ý thì mức độ xử lý có thể nhẹ hơn, đồng thời phải có biện pháp giúp đỡ, tạo cơ hội cho họ khắc phục nhược điểm, sửa chữa sai lầm.

Đào tạo giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp

Ông Phạm Mộng Hùng - Ảnh: V.Hà (Tuổi Trẻ)
Ông Phạm Mộng Hùng (trưởng phòng nhà giáo Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục - Bộ GD-ĐT): Ở nơi này nơi khác, có thể cũng có những nguyên nhân khách quan tác động đến hành vi của giáo viên khiến họ bị “lệch chuẩn”. Nhưng không thể vin vào đó để bao biện cho những việc làm phản giáo dục.

Điều kiện dạy học và áp lực, nếu có cũng là tình hình chung đối với cả triệu giáo viên, nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn có đạo đức, lối sống đúng mực, thương yêu, hết lòng vì học sinh.

Tôi vẫn nghĩ, vấn đề là ở cá nhân một số giáo viên, trong đó có một phần trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, nơi các giáo viên đó làm việc.

Vậy với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà giáo, phải có động thái thế nào để ngăn chặn trước những việc làm đáng tiếc, hạn chế tình trạng “để xảy ra rồi mới xử lý”?

Gần đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp của giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Trong đó có quy định rất rõ các chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn, chuẩn về đạo đức nhà giáo, kể cả những ứng xử cụ thể của giáo viên.

Tôi nghĩ, nếu các nhà quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục sát sao, phổ biến kỹ các quy định đến từng giáo viên, bám sát chuẩn nghề nghiệp, chứ không chỉ căn cứ vào kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên thì sẽ hạn chế nhiều tình trạng vi phạm.

Còn những áp lực như sĩ số đông, sự phó mặc trách nhiệm của gia đình, xã hội lên vai người thầy, để giải quyết cần có sự can thiệp của các sở GD-ĐT, chính quyền địa phương, các đoàn thể và việc tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả để đi đến mục đích chung tay vì học sinh.

Việc thiếu những kỹ năng sư phạm cần thiết khiến giáo viên có hành vi sai lệch, theo ông, có phải việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn đối với giáo viên hiện nay bất ổn?

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp - điều mà từ trước đến giờ chưa làm được. Theo đó, ngoài tập huấn việc dạy kiến thức chuyên môn, sẽ đặt ra các tình huống sư phạm cụ thể để hướng dẫn, định hướng cho giáo viên trong việc xử lý. Giáo viên sẽ được tập huấn theo cả “chuẩn đạo đức nhà giáo”.

Không chỉ đổi mới tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đang trong nghề mà chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ được đưa vào các trường sư phạm.

Các trường sư phạm sẽ phải bám sát chuẩn nghề nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo, trong đó cung cấp cho sinh viên sư phạm cả kiến thức, kỹ năng sư phạm, những hiểu biết về chuẩn mực trong đạo đức, lối sống nhà giáo để có thể đảm nhiệm tốt công việc.

Ông Phạm Mộng Hùng - Ảnh: V.Hà (Tuổi Trẻ)
Ông Phạm Mộng Hùng - Ảnh: V.Hà (Tuổi Trẻ)

Theo Trịnh Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ