Sau COVID-19, Ấn Độ ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm nấm đen

TPO - Giới y khoa Ấn Độ đang đau đầu đối phó với bệnh nhiễm trùng chết người do nấm ảnh hưởng đến bệnh nhân COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh, trong bối cảnh tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này tiến sát ngưỡng 300.000 ca.
Một bệnh nhân COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã báo cáo hơn 26 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Gần một nửa số ca bệnh trong đó được ghi nhận chỉ trong vòng hai tháng qua.

Chủ nhật, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này có thêm 240.842 ca mắc mới, và 3.741 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ. Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu thế giới về mức tăng số ca tử vong, chiếm khoảng một phần ba tổng số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới mỗi ngày, theo thống kê của Reuters. Tổng số ca tử vong ở Ấn Độ đã lên tới 299.166 ca.

Việc số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Ấn Độ thấp hơn mức 300.000 ca suốt một tuần qua cho thấy tốc độ lây lan dịch bệnh ở nước này dường như đang chậm lại. Nhưng sự xuất hiện ngày càng phổ biến của bệnh nấm mucormycosis trong vòng một tháng trở lại đây, đặc biệt là ở những bệnh nhân đang hoặc từng mắc COVID-19, đã khiến các bác sĩ sửng sốt.

Bệnh nấm mucormycosis (còn gọi bằng tên “nấm đen”) gây ra bởi nấm mucor, là một bệnh tương đối hiếm gặp. Mucormycosis không lây lan từ người sang người, nhưng có tỷ lệ tử vong cao và đã có mặt ở Ấn Độ trước đại dịch.

Loại nấm này thường được tìm thấy trong đất, không khí, hoặc thậm chí trong mũi và chất nhầy của cơ thể con người. Nấm có thể ăn mòn các bộ phận trên khuôn mặt. Đôi khi, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ mắt để ngăn nhiễm trùng lên não.

Hôm thứ Bảy, một quan chức Ấn Độ cho biết gần 9.000 ca mắc nấm đen đã được ghi nhận ở nước này, dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc Amphotericin B. Số ca tử vong vì nấm đen chưa được công bố, nhưng truyền thông địa phương cho biết hơn 250 người đã chết vì căn bệnh này.

Các quan chức y tế Ấn Độ đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thuốc điều trị nấm đen, trong bối cảnh nước này vẫn thiếu hụt nguồn cung cấp oxy và các thiết bị y tế khác.

Ambrish Mithal, người đứng đầu Max Healthcare, một chuỗi bệnh viện tư nhân ở Ấn Độ, cho biết nấm đen tấn công những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch yếu và mắc các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là bệnh tiểu đường, và những bệnh nhân lạm dụng steroid.

Việc sử dụng steroid trong điều trị COVID-19, cộng với thực tế là nhiều bệnh nhân COVID-19 cũng mắc bệnh tiểu đường, có thể là lý do khiến số ca nhiễm nấm gia tăng trở lại.

Mithal nói: “Trước đây, tôi từng gặp vài trường hợp nhiễm nấm đen mỗi năm, nhưng tỷ lệ lây nhiễm hiện nay thật đáng sợ.”

SK Pandey, một nhân viên y tế tại bệnh viện Ram Manohar Lohia ở thành phố Lucknow (bang Uttar Pradesh), nói rằng các bác sĩ không có trình độ chuyên môn đã tiêm steroid cho bệnh nhân ở nhiều vùng nông thôn, mà không suy nghĩ xem họ có thực sự cần hay không.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 20/5 đã yêu cầu các bang theo dõi sự lây lan của bệnh nấm đen, và tuyên bố đây là một dịch bệnh. Các cơ sở y tế bắt buộc phải báo cáo số ca mắc nấm đen cho một mạng lưới giám sát liên bang. Thủ tướng Ấn Độ hôm 21/5 gọi dịch bệnh này là một “thách thức mới”.

Tuy nhiên, sau nấm đen, một số bệnh nhân mắc nấm trắng đã được ghi nhận ở Bihar. Các chuyên gia y tế cho biết nấm trắng thậm chí còn nguy hiểm hơn nấm đen, vì bệnh ảnh hưởng đến cơ quan khác của cơ thể ngoài phổi.

Theo bác sĩ SN Singh, Trưởng khoa Vi sinh của Trường Cao đẳng Y tế Patna, những người có miễn dịch kém, mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân AIDS, những người đã trải qua ghép tạng dễ mắc bệnh này. Ông cũng chỉ ra rằng sơ suất trong khi sử dụng bình oxy cho bệnh nhân COVID-19 có thể khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nấm trắng.

Theo AP, India TV