‘Sát thủ đầu mưng mủ’ cải biên liệu có gây sốc?
> Tranh biếm họa giao thông Việt Nam
Cuốn sách "Phê như con tê tê" (bản mới của Thành ngữ sành điệu "Sát thủ đầu mưng mủ", họa sĩ Thành Phong, từng gây xôn xao dư luận cuối năm 2011) sẽ ra mắt ngày 28/3, đúng dịp Hội sách 2013 được tổ chức tại Nhà triển lãm TP 92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM.
Phê như con tê tê được xem là sự “trở lại, lợi hại hơn xưa” từ sau khi Sát thủ đầu mưng mủ bị tạm thời đình bản. Trong bản mới này, họa sĩ Thành Phong đã sửa chửa, thay đổi những thành ngữ bị dư luận lên án, cho là phản cảm, trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục.
Đại diện Nhã Nam cho biết, cuốn sách được thực hiện sau một thời gian dài lắng nghe ý kiến đóng góp của độc giả, báo chí và đặc biệt là từ Tọa đàm Ngôn ngữ giới trẻ thời @ do Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức vào đầu năm 2012.
Trở lại lần này, Phê như con tê tê đã nhận được nhiều lời ủng hộ, đồng tình của các chuyên gia ngôn ngữ học.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư nhận xét: “Việc xới lên một mảng ngôn từ giới trẻ để làm sáng rõ bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt là cần thiết. Tiếng Việt sẽ phong phú thêm, giàu thêm, đẹp thêm chính từ những chắt lọc, bồi đắp ngôn từ theo dòng chảy lịch sử. Cuốn sách này là một sự mở đầu cho việc khai thác mảng từ ngữ đó. Đó chính là một thành công với người làm sách mà chúng ta cần phải trân trọng”.
“Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế. Giới trẻ muốn khẳng định mình bằng ngôn ngữ của riêng họ” – PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng nêu quan điểm riêng.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dự đoán: “Vài ba năm nữa, cuốn sách này chính là một tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của tuổi trẻ, khi mà những câu nói được ghi lại trong đó đã không còn được dùng nữa”.
Tuy nhiên, những hình ảnh "tiết lộ” bước đầu của phiên bản mới này cũng để lại băn khoăn khi vẫn còn những câu đọc có phần phản cảm: Chỉ có hôi nách mới ngăn cách được tình yêu hay hình ảnh người Hà Nội nhao nhao bên Hồ Gươm nghe cụ rùa truyền dạy: Lớn phải có lông nách, sống phải có tư cách…
Theo Người Lao Động