Sạp hàng chợ truyền thống 'chốt đơn' liên tục, doanh thu tăng gấp 5 nhờ lên app

Nhờ tham gia số hoá, hay dân dã gọi là “lên app", các tiểu thương vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội mở rộng quy mô cửa hàng, tiếp cận khách hàng mới qua nền tảng online - điều mà trước đây họ khó có thể thực hiện khi buôn bán theo cách truyền thống.

Theo nghiên cứu của Q&Me về ngành hàng bán lẻ thực hiện vào tháng 4 năm 2021, Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển trong thói quen mua sắm của người dùng khi chợ truyền thống dần “nhường sân” cho sự phát triển mạnh mẽ của các kênh thương mại trực tuyến, hiện đại. Trước xu thế mới, không ít các tiểu thương chợ truyền thống buộc nhanh chóng nhập cuộc “số hoá”, tìm hướng đi cho hoạt động kinh doanh và đón nhận các cơ hội, lợi ích mới.

Thử cách kinh doanh mới, sạp trái cây hấp dẫn thêm khách hàng từ các quận

Bán hàng tại chợ Tân Mỹ đã 10 năm nay, chị Ngọc Thanh - một tiểu thương bán trái cây quyết định tham gia GrabMart từ cuối năm 2020. “Tôi trước đây chỉ là dân buôn bán ở chợ, không rành mấy mấy thứ công nghệ tuy nhiên vì ứng dụng GrabMart cũng dễ sử dụng nên làm quen khá nhanh. Hiện tại, tôi tự quản lý tất cả các khâu trên ứng dụng, từ cài đặt giờ đóng mở sạp, thêm và chỉnh sửa danh mục hàng cho đến đọc số liệu, xem lại doanh thu và các loại hàng bán chạy để rút kinh nghiệm.”

Sạp hàng online trên GrabMart của chị Ngọc Thanh (Trái cây Trí Thanh, chợ Tân Mỹ, quận 7) cung cấp đa dạng loại trái cây tươi ngon theo mùa

Sau hơn một năm mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng này, chị Thanh đã dần thành thạo hơn trong việc vận hành online và có thể nắm bắt được các xu hướng và sức mua. Nhờ vậy, chị Thanh tự chủ động đưa ra các “chương trình khuyến mãi” của riêng mình: “Tùy theo tình hình mùa vụ và nhu cầu tôi sẽ giảm giá để chốt đơn nhanh hơn. Sạp của tôi mạnh về trái cây theo mùa, đắt hàng nhất là chôm chôm, bòn bon, mận Hà Nội. Riêng những quả như thanh long, cam, bưởi thì sẽ bán chạy nhất vào những ngày rằm hoặc ngày lễ”.

Nói về điểm tích cực nhất kể từ khi bán trên ứng dụng, chị Thanh phấn khởi: “Trước đây, khách của tôi chỉ gói gọn trong các cư dân gần chợ Tân Mỹ nhưng từ ngày lên app, khách hàng giờ mở rộng sang cả Bình Thạnh, Tân Bình, quận 4. Năm ngoái, doanh thu cao nhất của tôi là 5 triệu đồng một ngày chỉ tính bán qua ứng dụng GrabMart. Sau này thì giữ ở mức ổn định, từ 2-3 triệu đồng/ngày”.

Tiểu thương bán thực phẩm sạch mở thêm cửa hàng sau khi lên app 1 tháng

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên chúng tôi, chị Hải Yến, chủ cửa hàng Thực phẩm sạch Hải Yến (chợ Tân Mỹ, quận 7) liên tục bận rộn vừa bán hàng cho khách tại chợ, vừa kiểm tra thông báo đơn hàng mới trên ứng dụng GrabMart. Tháng 5/2021, cửa hàng của chị Yến có màn “chào sân” ấn tượng trên nền tảng đi chợ hộ này: “Ngay ngày đầu tiên tôi đã được 8 đơn, lúc đó còn chưa chạy khuyến mãi hay tăng hiển thị gì cả. Sau đó tăng dần dần lên đến 20 đơn, tương ứng với khoảng 4 triệu đồng khi dịch vẫn còn chưa bùng phát. Vào thời kỳ giãn cách xã hội căng thẳng nhất, doanh thu của tôi vào khoảng 20 triệu đồng/ngày chỉ tính trên GrabMart, nhiều khi còn “cháy” hàng”, chị Yến hồ hởi.

Từ một sạp hàng nằm sâu trong lòng chợ truyền thống, từ khi lên app, cửa hàng của chị Yến tiếp cận nhiều khách mua, thêm doanh thu, thậm chí là mở thêm cửa hàng

Ngoài doanh thu “khủng”, giống như chị Thanh (chợ Tân Mỹ, quận 7), với chị Yến, một trong những lợi ích rõ rệt nhất khi tham gia ứng dụng là mở rộng thị trường: “Khách của tôi ở tận quận 12, quận 9, quận 2, Hóc Môn cũng có. Có những khách đặt nhiều tới nỗi tôi chỉ cần nhìn sơ qua địa chỉ là biết tên khách luôn rồi”.

Ngay sau khi hoạt động trên ứng dụng được 1 tháng, nhận thấy tiềm năng kinh doanh còn có thể phát triển hơn, chị Yến đã mở thêm một cửa hàng ở Tân Quy, quận 7. Cửa hàng mới có vị trí thuận lợi, diện tích lớn, giúp việc trữ hàng và giao nhận hiệu quả hơn. Nói về việc vận hành trên cả GrabMart và bán tại chợ, chị Yến chia sẻ: “Nhà tôi chỉ cần 3 người để vừa bán tại chỗ vừa nhận đơn, gói hàng nhanh gọn, đảm bảo chất lượng sản phẩm và tiết kiệm thời gian chờ lấy hàng cho shipper. Dù nhiều đơn nhưng tôi vẫn lấy uy tín đặt lên hàng đầu. Khách tin tưởng thì họ mới trở lại mua hàng của mình được.”

Các tiểu thương chợ truyền thống được tập huấn về an toàn thực phẩm và hỗ trợ chuyển đổi số bởi đại diện Ban quản lý ATTP TP.HCM và Grab

Chuyển đổi mô hình chợ truyền thống là xu thế chung sau Covid-19. Với cả chị Thanh và chị Yến, bán hàng trên ứng dụng vừa giải quyết nhu cầu mua sắm tại nhà của người mua, vừa đáp ứng mong muốn của người bán về việc tăng nhận diện, mở rộng tệp khách trung thành trên các nền tảng online. Các tiểu thương đều xác định đây là hướng đi vốn tất yếu, và là bài toán kinh doanh lâu dài trong tương lai.

Quá trình chuyển đổi này không thể thiếu sự đồng hành và hỗ trợ sát sao từ các nền tảng công nghệ. Trong đó, Grab là một trong những nền tảng tích cực đưa ra những chính sách hỗ trợ, tư vấn, giúp các tiểu thương chuyển đổi mô hình kinh doanh, theo kịp dòng chảy số của xã hội để họ có thêm thu nhập, duy trì kinh doanh. Ngoài ra, Grab còn phối hợp với các cơ quan chức năng để trang bị kiến thức cho tiểu thương khi gia nhập “sân chơi số”. Mới đây, Grab và Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức tập huấn cho các tiểu thương chợ truyền thống tại quận 7, TP.HCM. Buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong ngành giao nhận thức ăn, vừa phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, giúp các tiểu thương phát triển hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.