Nghị định này quy định về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa thuộc Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL.
Nghị định áp dụng đối với cơ quan nhà nước, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã trực tiếp tham gia canh tác lúa giảm phát thải, doanh nghiệp tham gia liên kết, trực tiếp sản xuất lúa giảm phát thải và các tổ chức, cá nhân liên quan đến canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính trong Đề án 1 triệu ha lúa.
Hoạt động trực tiếp đóng góp giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa bao gồm: Áp dụng các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, quản lý nguồn nước, giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa; thu gom, xử lý phế phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch sẽ góp phần giảm phát thải; ứng dụng các biện pháp khác để đạt tiêu chí tăng trưởng xanh.
Nguyên tắc chuyển nhượng được xác định dựa vào Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính trong chương trình tài chính chuyển đổi các-bon (TCAF). Nguồn vốn này được ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa. Thỏa thuận này đã được ký kết giữa Bộ NN&PTNT và WB…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhanh chóng điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo. Sau đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với các bộ ngành liên quan và WB để thống nhất nội dung dự thảo, trước khi trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành.
Trước đó, ngày 2/5, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa. Mô hình được triển khai tại 5 địa phương gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ (mỗi địa phương dự kiến thực hiện mô hình 50ha).
Mô hình áp dụng đầy đủ các tiêu chí của Đề án gồm: Triển khai quy trình canh tác bền vững; triển khai kế hoạch đo đếm tín chỉ các-bon; xây dựng thiết kế mẫu về thủy lợi nội đồng; tổ chức cơ giới hóa đồng bộ; tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải; triển khai tăng trưởng xanh (thu gom rơm rạ…) và bình đẳng giới trong sản xuất, sinh kế của người dân; tập huấn nâng cao năng lực của khuyến nông cộng đồng, cán bộ cấp xã… Thời gian thực hiện trong 3 vụ Hè Thu, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025.