Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam năm 2016. Ảnh: Nguyên Khánh.
Cấp bách
Hiệp hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phải hủy bỏ cụm từ “giáo sư âm nhạc” trong bằng khen ca sỹ Ngọc Sơn mới đây cho thấy sự nhiễu loạn phong các loại doanh hiệu. Hiện Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị ra mắt bộ tiêu chí “Văn hóa doanh nghiệp/doanh nhân Việt Nam” và Quy chế tôn vinh “Doanh nghiệp/doanh nhân văn hóa tiêu biểu”.
Được hỏi mục tiêu đề ra tiêu chí và sự tôn vinh này, ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội nhắc lại: Thủ tướng quyết định lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó dự lễ phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” ngày 7/11/2016, Thủ tướng giao Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chủ trì triển khai cuộc vận động này. Theo đó, danh hiệu Doanh nghiệp/doanh nhân văn hóa tiêu biểu mang tính quốc gia.
Bộ tiêu chí và quy chế tôn vinh- theo Hiệp hội chính là công cụ, thang đo chuẩn để doanh nghiệp/doanh nhân Việt Nam thống nhất quan điểm, nhận thức để tự đánh giá hoàn thiện và xây dựng văn hóa của mình, đồng thời làm cơ sở để xem xét, đánh giá và tôn vinh danh hiệu Doanh nghiệp/doanh nhân văn hóa tiêu biểu vào dịp Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hàng năm.
Ông Trần Trọng Toàn-Phó Chủ tịch Hiệp hội cho hay, ban soạn thảo xuất phát từ thực trạng văn hóa doanh nghiệp hiện nay. Bốn vấn đề được quan tâm nhất liên quan văn hóa doanh nghiệp: Thượng tôn pháp luật, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và cạnh tranh lành mạnh. Ông Đỗ Minh Cương (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, Viện Quản trị kinh doanh tại trường ĐH Kinh tế-ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có bộ tiêu chuẩn về văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh.
Không bỏ tiền mua danh hiệu
Ban soạn thảo cho biết tổ chức bảy hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến cả nước để trình Chính phủ xem xét. Ông Hồ Anh Tuấn mong khi Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí và quy chuẩn này, các tổ chức có thẩm quyền có thể chủ động phát hiện doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt để tôn vinh, biểu dương. Quy chế cũng có điều khoản liên quan đến việc Hiệp hội có trách nhiệm xem xét xử lý và thu hồi danh hiệu trong trường hợp cần thiết trên cơ sở đánh giá khách quan, công bằng.
Một số điều kiện tham gia xét tặng “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu: Hoạt động liên tục tối thiểu 3 năm gần nhất; hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh; bảo đảm đời sống việc làm ổn định; chấp hành tốt chủ trương chính sách và pháp luật, không vi phạm pháp luật; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người lao động. Ban soạn thảo cũng ghi nhận và cân nhắc để đưa thêm các tiêu chí về không gây tổn hại môi trường.
Trước hiện tượng một số tổ chức vừa qua vận động cá nhân, doanh nghiệp được vinh danh phải nộp tiền để nhận danh hiệu, ông Hồ Anh Tuấn khẳng định: “Doanh nghiệp/doanh nhân văn hóa tiêu biểu là danh hiệu Nhà nước nên Hiệp hội sẽ đề nghị Nhà nước cấp kinh phí. Tuyệt đối không có chuyện yêu cầu hay ép buộc đóng góp để được xét tặng danh hiệu”. Đặc biệt danh hiệu chỉ có thời hạn ba năm. Ngoài ra ban tổ chức có thể lựa chọn doanh nghiệp/doanh nhân đặc biệt xuất sắc để đề nghị tôn vinh cao hơn như Bằng khen của Thủ tướng và một số hình thức vinh danh khác.
Một số tiêu chí “Doanh nhân văn hóa tiêu biểu”: Là lãnh đạo doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, thành phần kinh tế có đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; đã lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp liên tục tối thiểu 3 năm gần nhất; trong thời gian lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp đạt mức khá trở lên các tiêu chí của doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu; hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước, kinh doanh đúng luật, có đóng góp cho cộng đồng và xã hội.