Có một lần tôi rất vui khi tại TPHCM giới trẻ tổ chức các buổi học yêu, tập yêu bằng các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Thế nhưng, đó cũng chỉ là “bột phát”.
Con là công trình của bố mẹ. Ngoài hình hài được sinh ra, việc xây dựng tính cách phụ thuộc nhiều vào cách dạy dỗ. Thế nhưng, dạy con thế nào là cả một khoa học đầy những kiến thức mà không học không thể chinh phục được con cái.
Thực trạng phổ biến hiện nay là bố mẹ áp đặt mệnh lệnh, thiếu dân chủ, thiếu kiến thức về sức khoẻ sinh sản, hoặc có kiến thức nhưng không coi trọng. Con cái lớn lên trong bầu không khí ấy.
Hình ảnh những đứa trẻ cô đơn trong mỗi gia đình là hậu quả của sự thiếu dân chủ giữa bố mẹ và con cái. Các em sống chịu đựng, im lặng khi ý kiến không được tôn trọng, thắc mắc không được giải quyết.
Tai hại nhất là khi tình huống xấu xảy ra, các em thường tự xử lý hoặc âm thầm chịu đựng (như bị xâm hại tình dục, bị điểm kém, bị sự cố khi bước vào yêu...).
Đã có hậu quả nhỡn tiền như: Một em bé (học lớp 6) ở Hà Tây bị bố mẹ dồn (làm mất chìa khoá) đến mức uống thuốc sâu tự tử; một cô gái có thai đã hoảng hốt tìm đến cái chết để lại lá thư xin lỗi “con sợ bố mẹ mắng, sợ làm mất thanh danh gia đình”; có cô bé tuyệt vọng vì triền miên phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau đã dùng cái chết để thức tỉnh bố mẹ...
Khi con cái không tin mình, không tìm đến mình... thì đó là điều tệ hại của bố mẹ. Càng nghĩ thì nỗi băn khoăn của tôi rằng “tại sao không có trường nào, đơn vị nào... dạy làm cha, làm mẹ” lại được giải đáp bằng hai nỗi băn khoăn khác.
Đó là: Nhu cầu xã hội chưa có (các bậc phụ huynh chưa muốn học) hay sự tuyên truyền của chúng ta chưa đủ sức thay đổi được cách đối xử với con cái của các bậc phụ huynh, chưa tạo được bầu không khí trong gia đình?