Sao chưa khởi tố vụ lừa đảo 500 tỷ đồng?

TP - Trong khi trốn tránh Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Anh Quân tổ chức tiếp một vụ mang dấu hiệu lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội.
Nguyễn Anh Quân và "chiếc bánh vẽ" dự án Thanh Hà 2

> Cuộc đào thoát ngoạn mục của Nguyễn Anh Quân

Nguyễn Anh Quân và "chiếc bánh vẽ" dự án Thanh Hà 2.

Dưới mác “nhà đầu tư thứ cấp dự án bất động sản”, Quân thu tiền một doanh nghiệp và nhiều cá nhân hơn 500 tỷ đồng, song không lô đất nào được trao cho khách hàng. Hàng chục người làm đơn tố cáo, Quân vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật…

Dấu hiệu lừa đảo

Theo điều tra của các PV, đầu năm 2011, với tư cách Tổng giám đốc Cty cổ phần BETA BQP, Nguyễn Anh Quân đã ký các hợp đồng vay vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, là Cty HANIC.

Trong các hợp đồng và nhiều công văn gửi HANIC, Quân luôn khẳng định gian dối rằng Cty BETA BQP là “nhà đầu tư thứ phát” tại Dự án Thanh Hà A - CIENCO5, và khẳng định “sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án” cho HANIC, qua đó Quân đã chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.

Thực tế HANIC không có đủ số tiền trên. Cty này cũng huy động vốn từ nhiều cá nhân, nhóm thể nhân. Sự việc vỡ lở vào tháng 4-2011, khi những người đóng tiền cho HANIC bắt đầu làm đơn tố cáo, đòi trả lại tiền, do Cty này không có lô đất nào ở Dự án Thanh Hà để bán cho họ như đã hứa.

Thời điểm ấy, có ý kiến cho rằng hành vi của Nguyễn Anh Quân không cấu thành tội phạm, “chỉ là quan hệ dân sự”. Trên số báo ra đầu tháng 10-2011, Tiền Phong có bài phân tích hành vi của Quân đủ 2 yếu tố gian dối và chiếm đoạt, tức là đủ dấu hiệu của tội “lừa đảo” theo Điều 139 BLHS.

Tiền Phong cũng đặt câu hỏi vì sao Công an TP Hà Nội không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sau khi báo đăng, tòa soạn không nhận được hồi âm nào từ Công an và Viện KSND TP Hà Nội.

Đến thời điểm này, Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn, theo một nguồn tin hiện Quân đang có mặt tại CHLB Đức. Một nguồn tin khác cho biết, Công an TP Hà Nội đang gấp rút hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án liên quan đến các hành vi trái pháp luật khiến nhiều nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.

Giống như vụ án ở Vĩnh Phúc, nhiều khả năng khi vụ án này được khởi tố thì đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bặt vô âm tín, mặc dù trước đấy công luận đã cảnh báo…

Có hay không “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”?

Hầu hết các cá nhân đóng tiền vào Cty HANIC để “mua sản phẩm Dự án Thanh Hà” không biết mặt Nguyễn Anh Quân, cũng như Cty BETA BQP.

Tuy nhiên, trên các giấy biên nhận tiền, đại diện Cty HANIC cũng như đại diện nhóm thể nhân lại cam kết rằng việc thu tiền này là để mua sản phẩm của Dự án Thanh Hà, thậm chí còn ghi rõ cả số lô, số thửa…

Những người đã tranh thủ “bán sản phẩm Dự án Thanh Hà”, qua đó giúp Quân chiếm đoạt tiền, họ cũng là nạn nhân của Quân, hay đồng phạm tiếp tay cho Quân, hay đóng cả hai vai? Thời điểm này, nhiều nạn nhân vẫn chưa được hoàn trả tiền, câu hỏi này không thể không đặt ra.

Khi kẻ chủ mưu đã bỏ trốn, việc làm rõ vai trò, trách nhiệm từng pháp nhân, cá nhân sẽ khó khăn hơn, song các nạn nhân hy vọng câu hỏi này sẽ có câu trả lời rõ ràng khi vụ án được khởi tố.

Về trách nhiệm dân sự (hoàn trả tiền cho phần lớn nạn nhân), nhiều chuyên gia pháp luật theo dõi vụ việc nhận định, thuộc về Cty HANIC. Trên thực tế, cần ghi nhận HANIC đã “cắn răng” thực hiện việc này, trong bối cảnh tài sản Nguyễn Anh Quân “đền bù” cho HANIC hầu hết chỉ là những chiếc “bánh vẽ”.

Trong một văn bản gửi báo Tiền Phong, lãnh đạo HANIC cho biết “đã hoàn lại trên 85% số vốn góp”, và “cam kết hoàn trả lại số vốn góp cho các cá nhân”.

Tuy vụ án chưa được khởi tố, song cũng giống như vụ án ở tỉnh Vĩnh Phúc, dư luận đang bức xúc với câu hỏi vì sao thời gian xác minh đơn tố giác tội phạm lại quá kéo dài, và đối tượng cầm đầu có dấu hiệu phạm tội ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng lại không bị áp dụng những biện pháp ngăn chặn cần thiết?

Điều 139 BLHS quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng (…), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Theo Báo giấy