Năm 2009, VN đã quy hoạch 166 sân golf, trong đó nhiều sân golf được xây dựng ngay trên đất bờ xôi ruộng mật. Ngay sau đó, Thủ tướng đã ra quyết định số 1946/2009 phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, và loại ra khỏi quy hoạch 76 sân, thu hồi trên 15.000ha đất các loại. Thế nhưng, báo cáo mới nhất của Bộ KHĐT lại cho thấy số sân golf đang có xu hướng tăng rất mạnh.
Không thực hiện nghiêm...
Theo báo cáo này, sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định 1946/2009, đến nay VN có 24 sân golf đang hoạt động, 25 sân khác đang xây dựng; 13 sân đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 23 sân đã được chấp nhận chủ trương đầu tư. Trừ năm sân mới bị tiếp tục đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch, VN chính thức còn 85 sân golf trong quy hoạch.
Bộ KHĐT cho biết ngoài sân golf trong quy hoạch, VN còn tới 27 sân golf (thuộc 13 tỉnh) nằm... ngoài quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt (trong đó nhiều nhất là Phú Quốc, Kiên Giang với năm dự án). Trong số 27 dự án này, có năm dự án sân golf đang triển khai xây dựng; năm dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bộ KHĐT cho rằng trách nhiệm trước hết do các tỉnh đã không thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng.
Đến nay, nhiều tỉnh vẫn tiếp tục mong muốn có sân golf trong khi quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đã nêu rõ đến năm 2020 VN dự kiến chỉ có 90 sân golf. Bộ KHĐT cho biết đã nhận được tờ trình của các địa phương, theo đó các tỉnh đề nghị bổ sung tới... 12 sân golf vào quy hoạch. Đáng lưu ý, có nhiều tỉnh nông nghiệp, nhiều đất đai màu mỡ như: Thái Bình, Thanh Hóa hoặc nằm ngay sát sân golf của tỉnh khác như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đắk Lắk.
Như vậy, nếu tính cả số sân golf trong và ngoài quy hoạch cùng số vừa đề nghị bổ sung, tổng số các dự án sân golf “có mặt” tại thời điểm 2011 đã lên đến 124.
Sân golf gắn với bất động sản
Cũng theo Bộ KHĐT, hầu hết các dự án sân golf hiện nay đều kết hợp với các yếu tố bất động sản. Cụ thể, chỉ có 21 dự án kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, khu du lịch.
Dù mục đích kinh doanh chính là sân golf nhưng thực tế rất nhiều dự án sân golf, diện tích chủ yếu không phải để làm sân golf mà là cho các mục đích phụ khác, trong đó phần lớn là bất động sản, du lịch. Nổi bật là dự án sân golf Tam Nông (Phú Thọ) có diện tích hơn 2.000ha, nhưng chỉ dành chưa đến 10% diện tích để làm sân golf (trên 170ha). Dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) tổng diện tích hơn 1.200ha nhưng sân golf chỉ chiếm khoảng 220ha...
Trong khi đó, Bộ KHĐT cũng nêu thực tế đã có 34 tỉnh có sân golf. Trong số dự án sân golf trong quy hoạch, vẫn còn chín dự án chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, có tới 42% số dự án sân golf đã xin được giấy phép xả thẳng nước thải vào nguồn nước địa phương.
Về khoản vốn đầu tư mà nhiều địa phương trông đợi khi thu hút các sân golf, theo các con số của Bộ KHĐT thì thực tế những gì người dân, chính quyền các địa phương nhận được cũng không lớn. Tổng vốn đăng ký của 90 dự án sân golf trong quy hoạch rất lớn, theo Bộ KHĐT, lên tới 24,5 tỉ USD, trong đó 20,5 tỉ USD là vốn nước ngoài.
Nhưng thực tế, nhiều dự án năng lực tài chính của chủ đầu tư thấp, chủ yếu nhận dự án, nhận đất, chậm triển khai và... nằm chờ đợi.
Theo ông Hoàng Ngọc Phong, viện phó Viện Chiến lược phát triển, Bộ KHĐT - đơn vị trực tiếp khảo sát, làm báo cáo để Bộ KHĐT trình Chính phủ, cho biết có ba phương án giải quyết: thứ nhất, giữ nguyên quy hoạch. Thứ hai, cho bổ sung, nâng tổng sân golf tại VN đến năm 2020 lên 96 dự án. Phương án thứ ba “mạnh mẽ” hơn là điều chỉnh tổng thể một lần, quy hoạch “cứng” số lượng sân golf đến năm 2020.
Báo cáo của Bộ KHĐT kiến nghị thực hiện phương án ba với số sân golf bổ sung lên tới 33 sân ngoài quy hoạch, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 là 118 sân. “Việc quyết định thế nào sẽ do thường trực Chính phủ quyết định” - ông Phong nói.
Cẩn trọng lợi ích nhóm
Theo một chuyên gia bất động sản, kinh doanh sân golf vẫn thịnh, không phải vì doanh thu từ những người đến chơi golf mà chính từ những khoảnh đất mênh mông cạnh sân golf. Quyết định 1946/2009 của Thủ tướng đã quy định “không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng”.
Tuy nhiên, quyết định trên cho phép dành tối đa 10% trong tổng diện tích đất sân golf để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng cho thuê luôn đất trong thời gian 30-50 năm.
Theo vị chuyên gia này, cần đánh giá làm rõ, từ đó nghiêm khắc xử lý việc sân golf cho thuê đất để người dân xây biệt thự, tránh việc lập lờ, chỉ làm lợi cho một số người.
Các mốc số lượng sân golf:
* Trước năm 2009: Cả nước quy hoạch 166 sân golf
* 26-11-2009: Thủ tướng ra quyết định phê duyệt quy hoạch, theo đó loại bỏ 76 sân golf
* 17-5-2011: VN có 85 sân trong quy hoạch, 27 sân ngoài quy hoạch và 12 sân vừa được đề xuất mới
* Sắp tới: phương án Bộ KHĐT đề nghị phê duyệt, bổ sung 33 dự án, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 lên 118 sân.
Thêm một sân golf cạnh sân bay
Theo kết luận của thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình quy hoạch hai sân golf: sân golf suối nước nóng Bang, huyện Lệ Thủy và sân golf phụ cận sân bay Đồng Hới.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết sân golf Đồng Hới không nằm trong quyết định 1946/2009 của Thủ tướng và đến nay vẫn... chưa có nhà đầu tư xây dựng sân golf. Đặc biệt, diện tích quy hoạch sân golf Đồng Hới không phù hợp với quy định theo quyết định của Thủ tướng.
Theo Cầm Văn Kình
Tuổi trẻ