Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị

TP - Lần đầu tiên tại Việt Nam cuốn sách xúc giác được làm, giúp trẻ khiếm thị có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm, tự chủ trong cuộc sống.

Cuốn sách đặc biệt

Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị vừa nhận giải công trình tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021, do T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT tổ chức, với phần thưởng 100 triệu đồng. Sản phẩm được nghiên cứu, phát triển từ hai thạc sĩ Trịnh Thu Thanh và Nguyễn Thị Hằng (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) và sự đồng hành, hỗ trợ của bà Louise France, chuyên gia khiếm thị đến từ nước Anh.

"Năm nay, chúng tôi sẽ triển khai một thư viện sách xúc giác. Thư viện sẽ có không gian cho trẻ khiếm thị đọc tại chỗ, bố mẹ đọc sách cùng con. Các em được mượn sách về nhà. Để xây dựng một thư viện cần khoản chi phí lớn từ mặt bằng, đầu sách, chi phí vận hành,… vì thế, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm”.

Chị Trịnh Thu Thanh, phụ trách dự án Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị

Là người gắn bó hơn chục năm với trẻ khiếm thị, chị Trịnh Thu Thanh chia sẻ, trẻ em sáng mắt được làm quen với sách từ khi còn rất nhỏ, giúp cho sự chuẩn bị học đọc. Với trẻ em khiếm thị cũng vậy, các em cần được làm quen với sách để giúp phát triển kỹ năng tri giác xúc giác, từ đó sẵn sàng học chữ nổi Braille. Tuy nhiên, do cơ quan thị giác bị ảnh hưởng, nên trẻ khiếm thị cần lĩnh hội thông tin qua những giác quan khác, trong đó, xúc giác đóng vai trò chủ đạo.

“Hiện ở Việt Nam chưa có sách xúc giác, trẻ khiếm thị bắt đầu học cách đọc và viết chữ nổi mà không có trải nghiệm với sách, điều đó khiến trẻ thiếu hụt sự khám phá và niềm vui đọc sách”, chị Thanh cho biết.

Trẻ khiếm thị hào hứng với sách xúc giác

Với tình yêu thương, trăn trở, giúp trẻ khiếm thị có một hệ thống công cụ phát triển, rèn luyện kỹ năng xúc giác để học chữ nổi một cách dễ dàng hơn, nhóm chị Thanh đã mày mò, nghiên cứu sáng chế ra Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị.

Cuốn sách được thiết kế đặc biệt, làm hoàn toàn thủ công, trên chất liệu là vải thô dày hoặc bìa giấy cát tông. Sách xúc giác được thiết kế với các vật nhỏ, các mô hình đính trên các trang vải hoặc các kết cấu khác nhau được lựa chọn và sắp xếp để tạo ra những hình ảnh, có thể cảm nhận bằng cách chạm vào (được gọi là hình ảnh xúc giác). Trang sách xúc giác có cả văn bản chữ in và chữ nổi để người sáng mắt có thể đọc.

Sách được chia theo 4 trình độ: A, B, C, D. Trình độ A là cấp độ dễ nhất, với việc sách xúc giác sử dụng đồ vật thật gắn lên trang sách, cùng những giai điệu quen thuộc để trẻ khiếm thị sờ vào cảm nhận.

Ở trình độ B, sách là những bài thơ, truyện sử dụng mô hình, tranh ảnh xúc giác đơn giản dựa trên trải nghiệm của trẻ. Ở trình độ C, sách là những câu chuyện đơn giản, sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp. Ở trình độ này tranh có nhiều biểu tượng trừu tượng như cái cây, xe máy.

Khó nhất là trình độ D, sách là những câu chuyện về thế giới bên ngoài trải nghiệm của trẻ sử dụng tranh ảnh xúc giác phức tạp.

Mong muốn trẻ khiếm thị làm chủ cuộc sống

Chị Thanh và cộng sự phải mất gần 2 năm nghiên cứu, rồi mới bắt tay vào thực hiện Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị. Từ năm 2019, những cuốn sách xúc giác đầu tiên ra đời. Tham gia làm sách không chỉ có các tình nguyện viên sáng mắt mà có cả những người khiếm thính, khiếm thị.

Đặc biệt, đồng hành cùng dự án Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị còn có bà Louise France, người từng có kinh nghiệm 20 năm dạy trẻ khiếm thị tại nước Anh, phụ trách thiết kế hình ảnh. Bà cùng chồng sang Việt Nam sinh sống, làm việc 9 năm nay.

Với tình cảm yêu mến đặc biệt trẻ khiếm thị, bà Louise France đã dành 2 năm để học tiếng Việt và tình nguyện tham gia hỗ trợ trẻ khiếm thị Việt Nam học chữ nổi, hòa nhập cộng đồng. Bà Louise France cho rằng, sách chữ nổi rất quan trọng với trẻ khiếm thị, để các em có cơ hội được học tập, tìm kiếm việc làm, tự chủ cuộc sống của mình. Bà mong muốn có nhiều cá nhân, tổ chức đồng hành cùng dự án sách xúc giác để mọi trẻ em khiếm thị trên đất nước Việt Nam được học tập và phát triển bản thân.

Chị Thanh cho biết thêm, hiện nhóm đã thực hiện được 50 cuốn sách xúc giác theo các chủ đề khác nhau. Hai năm qua, các cuốn sách đã được đem đến cho trẻ khiếm thị ở Hà Nội học tập, trải nghiệm và gửi đi các tỉnh miền Bắc. Nhóm còn viết bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước thực hiện cuốn sách xúc giác để các trường dạy trẻ khiếm thị có thể tự làm sách cho học sinh của mình.