Sách TOEFL iBT sao chép tràn lan

Lợi dụng sự khan hiếm tài liệu TOEFL iBT mới được ứng dụng ở Việt Nam, một số trung tâm ngoại ngữ đã ngang nhiên photo, sao chép giáo trình để bán cho học viên.

Thí sinh Việt Nam phải chịu thiệt thòi đến bao giờ?. Ảnh: Vietnamnet

Chương trình thi TOEFL phiên bản mới ứng dụng công nghệ Internet tốc độ cao (TOEFL iBT) chính thức ra mắt tại Việt Nam từ đầu tháng 6/2006.

Đơn điệu đầu sách TOEFL mới 

Vào các nhà sách lớn tại TP.HCM như hệ thống Nhà sách Fahasa, Nguyễn Văn Cừ, Pasteur... trong thời điểm hiện nay chỉ thấy có một đầu sách hướng dẫn thi TOEFL iBT là “The Offical Guide To The New TOEFL iBT” do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) biên soạn, giá 149.000 đ/cuốn. Còn lại vài chục đầu sách TOEFL khác là sách thế hệ cũ.

Ngay cả Nhà sách Xuân Thu và 204 Pasteur chuyên bán sách ngữ văn nhưng tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Anh Nguyễn Công Minh, một người đang tìm mua giáo trình TOEFL iBT bức xúc: “Tôi đọc báo thấy chương trình thi TOEFL mới đã chính thức ra mắt tại Việt Nam (thông qua Công ty IIG Việt Nam - đơn vị được ETS chỉ định là đại diện độc quyền của chương trình TOEFL iBT tại Việt Nam) từ đầu tháng 6/2006 nhưng đến nay thị trường vẫn không có đầy đủ giáo trình. Thí sinh Việt Nam phải chịu thiệt thòi trong những kỳ thi mang tính quốc tế như thế này đến bao giờ?”

Cũng theo anh Minh, ngoài giáo trình thì thí sinh cũng rất cần CD-ROM phần mềm để học trong quá trình luyện thi, có như vậy thí sinh mới có thể làm quen với các mẫu thi có giao diện hình ảnh giống như thi thật (cách thi mới của TOEFL iBT là thi qua mạng Internet).

Khác với không khí trên, thị trường sách TOEFL iBT ảo (trên mạng) phong phú và hấp dẫn hơn. Thí sinh vào www.ets.org là có thể biết thêm nhiều thông tin về TOEFL iBT từ ETS và có thể mua những khóa thực hành ngay trên website này.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều tài liệu TOEFL iBT được bày bán qua mạng www.ets.orgwww.amazon.com như TOEFL iBT with CD-ROM (Kaplan Toefl Cbt, Paperback) giá 22,05USD; Test: Next Generation iBT with CD-ROM and Answer Key (Longman Preparation Course for the Toefl) và How to Prepare for the TOEFL iBT with CD-ROM (Barron's How to Prepare for the Toefl Test of English As a Foreign Language)...

Tại Việt Nam, nếu thí sinh không biết cách mua sách qua mạng có thể vào website www.minhkhai.com.vn để nhờ nhà sách này mua hộ.

Loạn sách sao chép

Đầu sách TOEFL iBT duy nhất được phổ biến tại các nhà sách TP.HCM. Ảnh: Vietnamnet

Trong lúc thị trường vẫn còn vắng bóng đầu sách TOEFL iBT thì các trung tâm dạy ngoại ngữ đã nhanh tay photo, sao chép tài liệu bán cho học viên, vừa kiếm được tiền vừa thu hút được nhiều học viên!

Tại một Trung tâm Ngoại ngữ CN2 (thuộc ĐHSP) nằm trên đường N.Đ.C, quận 3, TP Hồ Chí Minh, các đầu sách TOEFL iBT chưa có mặt tại Việt Nam (chỉ có bán qua mạng) đã được trung tâm này mua về photo lại sau đó bán cho học sinh với giá từ 48.000-55.000đ/cuốn.

Theo chị Ngọc Ngân, một học viên đang luyện TOEFL iBT tại đây, mua tài liệu qua mạng giá cao hơn gấp 4 - 5 lần mà thủ tục rườm rà chưa chắc thí sinh nào cũng mua được. Còn mua sách photo ở đây dù hình thức có xấu hơn nhưng nội dung vẫn thế nên thí sinh chịu liền.

Qua khảo sát của phóng viên, hiện rất nhiều trường và trung tâm anh ngữ khác cũng đang cung cấp tài liệu cho học viên với hình thức như trên. Tại trường Anh ngữ Quốc tế A. M trên đường Đ.B.P (Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi đóng vai học viên đến đăng kí học luyện thi TOEFL iBT  và xin được xem giáo trình của trường.

Xem qua giáo trình chúng tôi nhận ra đây chính là bản sao của “The Offical Guide To The New TOEFL iBT” (A.M photo ra thành 3 cuốn giáo trình, thay trang bìa).

Khi chúng tôi đặt vấn đề kỹ hơn về nguồn gốc tài liệu này nhân viên tiếp học viên ở đây tỏ ra khó chịu và trả lời “muốn học theo ý em thì đến ETS mà học” (!)

Được biết, trên mỗi cuốn sách ngoại văn đều có ghi rõ “không được sao chép, in ấn sách này dưới bất kỳ hình thức nào”, song tại nhiều trung tâm và trường học xem ra câu khuyến cáo này chẳng có tác dụng gì.

Xét về một khía cạnh nào đó thì đối với học sinh việc mua sách photo từ nhà trường như trên sẽ tiện lợi và tiết kiệm hơn, nhưng nhìn kỹ hơn đây chẳng khác nào tình trạng đạo văn, ăn cắp tri thức. Hay nói cách khác là vi phạm bản quyền, tác quyền nghiêm trọng.

Cánh cửa WTO đang ngày một gần hơn với Việt Nam, khi đã tham gia sân chơi toàn cầu thì mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và chúng ta càng không có lý do gì để biện hộ cho hành vi sao chép của mình.

Theo Nguyễn Sa
Vietnamnet