“Khó khăn kép” do tác động của đại dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo đã tác động đến nhu cầu thị trường và chuỗi cung ứng ngành bia rượu. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của thị trường vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận của các doanh nghiệp trong ngành.
“SABECO đang trên mục tiêu tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa cách làm việc của tất cả các đơn vị trên toàn quốc nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường tại thị trường bia Việt Nam”.
Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt
“Vượt sóng” ấn tượng
Với những khó khăn hiện hữu, đáng chú ý, sau quãng đầu năm khó khăn, một số doanh nghiệp bia rượu đã có tín hiệu tích cực vào những quý cuối năm 2020.
Đơn cử như Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO - SAB) báo lãi 1.479 tỷ đồng quý III vừa qua, tăng nhẹ so với số lãi 1.460 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái dù doanh thu sụt giảm 17% xuống còn 8.052 tỷ đồng. Số lãi này cũng giúp SABECO tiệm cận quý lãi lớn nhất trong lịch sử - quý II/2019 với số lãi sau thuế 1.530 tỷ đồng. Trước đó SABECO báo lãi quý I đạt 717 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi quý II đạt 1.216 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh chịu tác động kép, kết quả kinh doanh của SABECO có sự tăng trưởng so với cùng kỳ cho thấy doanh nghiệp đã thích ứng với tình hình, tiết giảm các loại chi phí để kinh doanh có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những đổi mới mang tầm chiến lược tại công ty trong thời gian gần đây, từ nhân sự đến quản trị, tiết giảm chi phí… để SABECO đặt nền móng vững chắc để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.
Theo Ban lãnh đạo SABECO, doanh nghiệp này vẫn giành được thị phần thông qua doanh số bán hàng do đóng góp từ tỷ trọng kênh bán hàng truyền thống cao hơn so với toàn ngành. Mặt khác, doanh thu quý III/2020 của SABECO tăng lên là do quản lý chi phí tốt hơn. Công ty thực hiện hàng loạt thay đổi trong kinh doanh và quản trị, cố gắng tăng năng suất, cắt giảm một số chi phí hoạt động và đàm phán để giảm chi phí thuê mặt bằng…
Xác định khuynh hướng tiêu dùng thay đổi khiến các doanh nghiệp phải xoay chuyển chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa đảm bảo phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy việc đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới trong năm nay của SABECO là một hoạt động mang tính chiến lược, một tầm nhìn dài hạn.
SABECO mới đây đã thực hiện lễ động thổ dự án nâng công suất Nhà máy Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi tại Khu công nghiệp Quảng Phú (Quảng Ngãi). Đây là một phần trong Dự án đầu tư mở rộng nhà máy bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giai đoạn 2019 - 2021 với tổng vốn đầu tư là 650 tỷ đồng.
Tất cả những điều đó vừa cho thấy nội lực của một thương hiệu đã có bề dày 145 năm phát triển vừa minh chứng cho cam kết đóng góp thúc đẩy sự phát triển lâu dài, bền vững cho các địa phương nơi SABECO có hoạt động kinh doanh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm được dự báo là 6%, ngành công nghiệp đồ uống là một trong những ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước Giải khát Việt Nam cho biết, mặc dù các doanh nghiệp đồ uống không thuộc diện được hỗ trợ do tác động của đại dịch COVID- 19 nhưng họ đã xác định phải tự lực, tự cường vươn lên bằng chính trí tuệ, công sức của mình.
Theo đó, các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng thông qua một số hoạt động thiết thực. Các doanh nghiệp bia đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường với các sản phẩm như: Bia Lạc Việt, Bia Sài Gòn Chill của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO)…
Bên cạnh việc cho ra đời các dòng sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam còn thực hiện tiết kiệm mọi mặt, cắt giảm những chi phí không cần thiết, nâng cao công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, tổ chức nhiều lớp đào tạo nhằm nâng cao trình độ cho người lao động, nắm bắt kịp thời các chính sách để thực hiện tốt mọi quy định của Nhà nước… Đơn cử như SABECO, trong thời kỳ gặp khó khăn kép, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư trang thiết bị, tiết giảm nhiều chi phí để đảm bảo thu nhập của người lao động. Năm 2020, SABECO chính thức công bố triển khai dự án chuyển đổi số mang tên SABECO 4.0. Đây là một chương trình chiến lược nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh. “SABECO đang trên mục tiêu tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa cách làm việc của tất cả các đơn vị trên toàn quốc nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường tại thị trường bia Việt Nam”, ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, để vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2021, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới, nắm bắt nhu cầu của thị trường, cho ra đời các dòng sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng, đổi mới phương thức bán hàng, marketing, có nhiều chương trình tri ân khách hàng, đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất cũng như bán hàng, tiếp thị; nâng cao năng lực quản lý, quản trị, đặc biệt là làm sao hài hòa được quyền lợi người tiêu dùng, lợi ích của nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững…
Tự hào doanh nghiệp Việt với lịch sử 145 năm
Từ một xưởng bia nhỏ do người Pháp thành lập ở Sài Gòn, đến nay, Tổng Công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã đánh dấu 145 năm phục vụ người tiêu dùng và xác lập vị thế là tập đoàn sản xuất đồ uống lâu đời bậc nhất tại thị trường Việt Nam. SABECO đang có hệ thống tiêu thụ bia trải dài 63 tỉnh, thành trên cả nước lên tới hơn 145.000 kênh khác nhau cùng 44 công ty thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động trực tiếp và rất nhiều lao động gián tiếp. Đến nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt trên cả nước và xuất khẩu đến 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. SABECO đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế. Cụ thể, tổng số tiền nộp vào ngân sách trong 10 năm của tập đoàn theo báo cáo tài chính hợp nhất từ năm 2010 - 2019 hơn 81.732 tỷ đồng. Sau 10 năm, số tiền nộp ngân sách của công ty vào năm 2019 đã tăng 200% so với năm 2010.