Phía tổng cục Thể dục thể thao, ông Lâm Quang Thành trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games vẫn tiếp tục yêu cầu VFF phải kiểm điểm nghiêm túc, phía người hâm mộ, đọc đâu cũng thấy sự giận dữ.
Chuyện ông Falko Goetz ra đi gần như đã là chuyện chắc chắn, phía VFF mất đứt 220.000 USD gồm 154.000 USD tiền lương bảy tháng qua và 66.000 USD tiền “ly hôn”, cũng là điều không thể thay đổi. Chính ông Goetz cũng đã cho một người bạn ở Việt Nam biết, có thể ông sẽ chẳng sang Việt Nam để làm gì, việc thanh lý hợp đồng của ông sẽ do người đại diện làm việc.
Một kết quả tin rằng, chính từ lúc ông chấp nhận hạ lương đến Việt Nam và nhận cả lời nhiệm vụ vào đến chung kết SEA Games từ chính ông Nguyễn Trọng Hỷ trong buổi xuất quân, ông đã lường trước. Có chăng sự bất ngờ chính là việc ông bị sa thải theo một kiểu lạ lùng, người này từ chức và người kia phải ra đi.
Sự bất ngờ ấy không chỉ có mình ông Goetz mà còn ở nhiều người hâm mộ. Có vẻ như lần này VFF thi triển “công phu” không đúng cho lắm. Thật ra, trò từ chức rồi ở lại này chẳng phải mới.
Trước ông Trần Quốc Tuấn, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HFF – đã từng từ chức. Ấy là sau khi thực hiện lời hứa không để đội nào của TP.HCM xuống hạng, ông quyết định từ chức vì dư luận chỉ trích ông khá nhiều. Thế nhưng, các thường vụ của liên đoàn Bóng đá TP.HCM đã 100% không tán thành cho ông Dũng nghỉ và ông ở lại một cách “miễn cưỡng” vì cái chung. Chỉ đến khi VPF ra đời, ông Dũng mới từ chức một lần nữa, và lần này ông lại nhận sự đồng thuận 100% ngay dù nhiệm kỳ chẳng còn bao lâu. Nhiều người ý nhị bảo, từ chức ở đâu chẳng biết chứ ở ta phải xem lại, sau từ chức có chỗ nào “thơm” hơn không thì mới tin là thật đến đâu.
Ông Trần Quốc Tuấn cũng từ chức nhưng khác với ông Lê Hùng Dũng, có vẻ như chức vụ trưởng ở tổng cục Thể dục thể thao không phải là nơi ưng ý. Vì vậy khi 100% thường vụ đề nghị ông ở lại, không đồng ý cho ông đi, ông Tuấn đã cảm động trước tấm chân tình ấy mà tiếp tục giữ chức tổng thư ký vì cái chung.
Kỳ thực, suy cho cùng ông Tuấn ở lại còn vì những người khác, ví dụ như vì ông chủ tịch liên đoàn chẳng hạn. Một VFF “tầy huầy” như thế, từ điều hành giải đấu trong nước kém, không thể có kế hoạch tốt để vực dậy bóng đá ở cấp độ đội tuyển, lý nào chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ chẳng hề có lỗi, ông vô can vì chỉ lãnh lương cao mà chẳng làm gì?!
Ông Goetz bị sa thải, vì suy cho cùng VFF bảo vệ ông Goetz là có mục đích và sa thải ông khi đúng thời điểm. Thế nhưng, việc ông Falko Goetz bị loại vẫn là chưa đủ bởi người ta không thể chấp nhận sự biến tướng của từ chức mà VFF đang thể hiện. Việc từ chức xuất phát từ chuyện cá nhân ấy, thấy mình có còn phù hợp với công việc hay không, đã làm tốt công việc hay chưa chứ không thể từ chức như một cách làm màu cho có để rồi dùng “tập thể” như một công cụ để rũ sạch mọi sai sót để tiếp tục tại vị.
Hơn nữa, việc thay ông Goetz mà chẳng thể đưa ra phương án nào tốt hơn, lấy gì đảm bảo vẫn những con người ấy sẽ không phạm sai lầm khi thuê huấn luyện viên mới, đó mới là bản chất của vấn đề.