Ruộng bậc thang Lai Châu: Tuyệt tác của thiên nhiên

Ruộng bậc thang vùng núi Tây Bắc từ lâu đã trở thành một biểu tượng của sự sáng tạo trong nông nghiệp vùng cao. Đặc biệt ở Lai Châu, đây điểm đến lý tưởng cho du khách đam mê vẻ đẹp hoang sơ và bình dị.

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, cùng với các hoạt động xúc tiến du lịch ngày càng được đẩy mạnh, Lai Châu đang nỗ lực quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang đến du khách trong nước và quốc tế.

Quá trình tạo dựng và chăm sóc ruộng lúa đòi hỏi sự cần cù và kinh nghiệm. Người dân bắt đầu cấy lúa từ tháng 5 khi nước đổ xuống ruộng, rồi chăm sóc cho đến khi lúa chín vàng vào tháng 9 và 10.

Mỗi mùa lúa chín, những thửa ruộng vàng rực trải dài khắp các sườn đồi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục.

Khi ghé thăm huyện Than Uyên - Lai Châu, du khách không thể bỏ qua cánh đồng ruộng bậc thang ở xã Tà Mung, với tổng diện tích gần 200ha, nơi được mệnh danh là bức tranh thiên nhiên sống động của Lai Châu. Ruộng bậc thang ở Than Uyên được xây dựng dựa trên sự khéo léo của đồng bào dân tộc, nhằm tận dụng địa hình dốc núi để canh tác lúa nước.

Thả hồn vào khung cảnh nên thơ của ruộng bậc thang tại Lai Châu

Không chỉ vậy, huyện Mường Thanh cũng nổi bật với hơn 448ha diện tích lúa, nơi được coi là một trong ba vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc, mang lại vẻ đẹp hùng vĩ và trù phú trong mùa lúa chín. Tại huyện Mường Tè, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang nằm cheo leo bên sườn núi trên hành trình đi đến xã biên giới Thu Lũm.

Mường Tè phủ một màu xanh mướt tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ mà ít nơi nào có được

Ngoài ra, huyện Tam Đường cũng sở hữu khu ruộng bậc thang tuyệt đẹp tại xã Tả Lèng, trải rộng trên 400ha là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn đắm mình trong không gian bình yên của thiên nhiên.

Cảnh sắc mùa lúa chín huyện Tam Đường với những cánh đồng vàng óng, bao quanh bởi núi rừng xanh thẳm, luôn khiến du khách mê mẩn​

Bên cạnh đó, du khách khi đến đây có thể hòa mình vào nhịp sống của người dân, tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.