> Bắt hai nghi phạm giết quản lý nhà nghỉ
Bà là Nguyễn Thị M (Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội), mẹ của Ngô Đăng Thức, kẻ đã gây ra cái chết cho bà Đặng Thị Thân (SN 1960), quản lý nhà nghỉ Quốc Triệu 2 (Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội).
300.000 đồng và một mạng người
Đến giờ, khi nhắc lại vụ án giết người cướp của ở nhà nghỉ Quốc Triệu 2 vào chiều 29/3/2012, nhiều người dân ở Thạch Thất vẫn không khỏi bàng hoàng. Không chỉ bởi nạn nhân là một người đàn bà đáng thương, mà còn bởi sự ra tay dã man, tàn độc của những kẻ “bán mình cho quỷ”.
Chỉ vì thiếu mấy trăm nghìn tiền phòng trọ mà Ngô Đăng Thức (30/12/1996) và Nguyễn Quang Huỳnh (2/7/1994) đã rắp tâm giết người quản lý nhà nghỉ để hòng xù nợ.
Khi phạm tội, Ngô Đăng Thức mới vừa qua tuổi 15, còn Huỳnh mới gần 18. Nhìn hai gương mặt còn búng ra sữa ấy, ít ai nghĩ rằng chúng có thể quyết tâm phạm tội đến cùng để rồi đẩy một người đàn bà vào thiên cổ.
Nhưng lần giở lại quá khứ không mấy sáng sủa của hai “sát thủ tuổi teen” này, người ta phần nào lý giải cho tội ác tày trời mà chúng vừa mới gây ra.
Tuy nhà đông anh em, nhưng do là con trai duy nhất nên Thức có phần được nuông chiều. Trong khi mẹ và các chị em gái đầu tắt mặt tối để đắp đổi miếng cơm, manh áo thì nó chỉ phải làm có mỗi một nhiệm vụ “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.
Nhưng với sức học nhàng nhàng, nó cũng chả mặn mà gì cho lắm. Năm lớp 7, vì không đủ điều kiện lên lớp, Thức bị lưu ban. Chán cảnh phải ngồi học cùng bọn “đàn em”, nó bỏ học. Bỏ là bỏ thẳng, nó suốt ngày vạ vật quán game, quán chát. Có khi hứng chí, nó xoáy tiền bố mẹ rồi “dạt nhà” đến mấy ngày liền.
Ngày 22/3/2012, sau khi trộm được hơn một chỉ vàng của bà nội, Thức đem bán lấy 6 triệu đồng rồi rủ Huỳnh “đi bụi”. Mấy ngày đầu tiền bạc rủng rỉnh, chúng tiêu xài như những “cậu ấm, cô chiêu”. Đến khi túi tiền gần cạn, Thức và Huỳnh đến thuê phòng trọ tại nhà nghỉ Quốc Triệu 2 do bà Thân làm quản lý.
Ngày 25/3/2012, nhân lúc đi chơi ở Xuân Mai, chúng đã mua 2 con dao nhọn giấu vào chiếc túi đựng vợt cầu lông để “phòng thân”. Khi về đến nhà nghỉ, bà Thân đã phát hiện ra hai con dao và bắt chúng phải cất vào bếp rồi mới được lên phòng. Đồng thời, bà cũng không quên yêu cầu Thức và Huỳnh thanh toán bớt tiền thuê trọ. Không đồng xu dính túi, Thức đành để lại chiếc điện thoại làm tin, hẹn vài ngày sau sẽ trả.
Cũng trong quãng thời gian nghỉ trọ ở đây, Thức và Huỳnh phát hiện ra bà Thân là người phụ nữ độc thân, sống lủi thủi một mình. Vả lại, chúng cũng phỏng đoán rằng, những người làm nghề kinh doanh như bà sẽ tích cóp được nhiều tiền bạc. Thế nên, trong lúc quá bí bách và túng quẫn, bọn chúng liền bàn nhau lên kế hoạch giết chết bà Thân, vừa để quỵt tiền trọ, vừa cướp tài sản của nạn nhân.
Chiều 29/3/2012, khi thấy bà Thân lúi húi cắt cỏ ở vườn, Huỳnh và Thức giả vờ lân la bắt chuyện. Mục đích của chúng là nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của bà để chờ cơ hội ra tay.
Khi thấy bà Thân hoàn toàn không phòng bị, Huỳnh nháy mắt làm hiệu để Thức từ phía sau chồm đến đâm một nhát vào lưng người phụ nữ đáng thương này. Đồng thời, Huỳnh cũng lao vào trợ giúp. Hắn dùng tay trái bịt mồm, tay phải dùng dao chém vào cổ nạn nhân.
Bị những nhát dao chí mạng, bà Thân tử vong tại chỗ. Sau đó, Thức lục túi bà Thân lấy được 1 điện thoại và hơn 300.000 đồng. Đúng lúc ấy, chị Nguyễn Thị S là người quen của bà Thân đến chơi, phát hiện sự việc liền hô hoán. Thức bị bắt tại trận cùng toàn bộ tài sản vừa chiếm đoạt, còn Huỳnh chạy thoát. Đến 1 giờ 20 ngày 30/3, Huỳnh cũng bị lực lượng Công an bắt giữ khi đang trên đường lẩn trốn.
“Mẹ ơi cứu con!”
Mới đây, Ngô Đăng Thức và Nguyễn Quang Huỳnh đã bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử. Trước tòa, cả Thức và Huỳnh đều thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.
Khi nghe chủ tọa phiên tòa hỏi: “Tại sao bị cáo lại giết người?”, Thức trả lời tỉnh rụi: “Dạ, tại vì bị cáo quá cần tiền!”. Nghe xong lời khai của nó, không ít người có mặt trong hội trường xét xử phải rùng mình, ớn lạnh.
Đồng thời, khi tường tận về hoàn cảnh của nạn nhân, người ta lại càng dâng lên niềm căm phẫn đối với những kẻ giết người máu lạnh. Hồi còn trẻ, bà Thân cũng từng được lắm “kẻ đón người đưa”, thế nhưng gác lại chuyện chồng con, bà lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc trở về, cũng là lúc bà Thân đã qua thời xuân sắc, tình duyên lỡ dở, bà đành ở vậy từ đó đến giờ.
Lúc còn sống, bà luôn khát khao về một mái ấm gia đình, ở đó có vợ, có chồng và những đứa con thơ. Thế cho nên, khi Thức và Huỳnh đến thuê phòng trọ, thấy hai đứa áo quần nhếch nhác, bà còn sốt sắng giặt giũ, cơm nước, lo lắng cho chúng như con cháu trong nhà. Bà đâu có ngờ hai đứa trẻ “lòng lang dạ thú” ấy lại lấy oán trả ơn khiến bà mất đi sinh mạng.
“Người ta đã có công cưu mang mình trong lúc khó khăn, không đền đáp thì thôi, tại sao bị cáo còn ra tay giết hại chỉ vì mấy trăm nghìn?”. “Bị cáo muốn lấy lại chiếc điện thoại và cũng định kiếm thêm ít tiền để trả cho quán nét…”, lời khai của những “sát thủ mang khuôn mặt trẻ thơ” ấy đã cắt cứa vào lương tri của rất nhiều người tham dự phiên tòa. Họ không thể ngờ rằng, chỉ vì những đam mê, ham muốn tội lỗi mà những đứa trẻ “mới kịp làm con chưa kịp làm người” kia đã sớm mang tâm hồn ác quỷ để rồi gây tội ác.
Không cứ gì gia đình nạn nhân, ngay cả gia đình, bố mẹ của hai tên Huỳnh và Thức cũng không khỏi bàng hoàng, đau xót khi nghe con mình thú tội. Nỗi lòng của người làm cha làm mẹ nào chả vậy, sinh con ra chỉ muốn chúng thành người, nào ngờ vừa mới tấp tểnh vào đời, chúng đã học rặt thói lưu manh, côn đồ của những kẻ đầu đường xó chợ. Để rồi từ đó, chúng trượt dài vào bóng tối…
Bà M bảo, kể từ khi thằng Thức gây án mạng rồi bị bắt, cả gia đình bà không dám ngước nhìn mặt ai, còn bà thì gần như không có đêm nào chợp mắt. Bà ân hận vì mình đã quá mải mê với chuyện cơm áo gạo tiền để rồi buông lỏng quản lý, giáo dục thằng con “quý tử”.
Gia cảnh nghèo khó, bà đã phải một nắng hai sương, “cơm chẳng dám ăn, áo không đành mặc” để dành mọi vật chất, yêu thương nuôi con khôn lớn thành người. Ấy vậy mà chỉ trong phút chốc, nó rước đại họa đổ lên đầu cả đại gia đình. Nỗi đau khiến bà như hóa đá.
Trước phiên tòa, bà M đã chuẩn bị vài thứ lặt vặt để có thể tiếp tế cho con. Thế nhưng, mẹ con cách nhau song sắt, tưởng chỉ một cái với tay có thể ôm trọn đứa con tội lỗi vào lòng, vậy mà bà vẫn phải đứng khóc nhìn con trong bất lực.
“Từ bé tới giờ thằng con tôi còn không dám cầm dao cắt tiết một con gà, ấy thế mà chả hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào nó lại đi giết người, cướp của? Ối con ơi là con!”, tiếng khóc của bà M cứ dấm dứt, nỉ non suốt cả phiên xét xử. Bao nhiêu nước mắt, tủi cực của người mẹ khi con trai mình vướng vào vòng lao lý là điều không thể nào đong đếm.
Dù nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính chất côn đồ, cách thức thực hiện dã man, đáng phải áp dụng mức hình phạt cao nhất, nhưng khi phạm tội, Huỳnh chưa đủ 18 tuổi, Thức chưa đủ 16 tuổi nên HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Quang Huỳnh 18 năm tù, Ngô Đăng Thức 12 năm tù.
Chỉ đến khi nghe tòa tuyên án, hai “sát thủ nhí” mới bắt đầu cảm thấy run sợ. Ngô Đăng Thức không còn giữ được bình tĩnh, nó òa khóc nức nở, giọng thều thào trong nước mắt: “Mẹ ơi cứu con!”.
Còn Nguyễn Quang Huỳnh dù cố tỏ vẻ cứng cỏi hơn, nhưng hai bàn tay nó cũng run bần bật như nhành cây trước gió. Có lẽ, khi phải đối mặt với “ngày dài tháng rộng đời tù”, những kẻ như Huỳnh, như Thức mới phần nào biết được cái giá phải trả cho hành vi tội ác của mình.
Theo Công lý