Rùng mình với bản đồ vẽ tay hé lộ 'kịch bản ngày tận thế'

Tập bản đồ vẽ tay của một tác giả người Đức ở thế kỷ 15 mô tả ngày tận thế khi cổng địa ngục mở ra và hình ảnh địa cầu sau đó.

Hàng chục bản in ở thế kỷ 15 miêu tả ngày tận thế đến gần với chi tiết tang thương, nhưng một bản đồ vẽ tay khắc họa ngày tận thế theo cách rất khác biệt. "Tập bản đồ minh họa những gì sẽ xảy ra ở mỗi giai đoạn", Chet Van Duzer, sử gia về địa đồ học, người từng viết một cuốn sách về tập bản đồ, cho biết.

Theo National Geographic, hình ảnh địa lý được phác họa theo lối hiện đại, nhưng tấm bản đồ nhấn mạnh một điểm rõ ràng: nếu một người gây tội ác, họ sẽ không có nơi nào để lẩn trốn. 

Bản thảo viết tay này là tập hợp bản đồ theo chủ đề đầu tiên, gồm những tấm bản đồ mô tả nội dung không liên quan tới đặc điểm môi trường (như sông ngòi, đường sá hay thành phố). Ngày nay, bản đồ theo chủ đề rất phổ biến, từ bản đồ khí hậu nhiều mắc sắc đến bản đồ kết quả bầu cử màu xanh và đỏ. Nhưng phần lớn các sử gia cho rằng chúng có nguồn gốc từ thế kỷ 17. Bản thảo về ngày tận thế đang thuộc quyền sở hữu của thư viện Huntington ở San Marino, California, ra đời từ thế kỷ 15.

Tập bản thảo được tạo ra tại Lübeck, Đức, trong khoảng năm 1486 - 1488 và biết bằng tiếng Latinh không dành cho số đông. Nhưng nội dung bản thảo không mang tính bác học như nhiều tài liệu cùng thời, và văn phong tương đối nghèo nàn. "Tác phẩm hướng đến tầng lớp trí thức, nhưng không dành cho những người ưu tú nhất thuộc tầng lớp trí thức", Van Duzer nhận xét. Tác giả viết bản thảo chưa được làm rõ, nhưng Van Duzer cho rằng nó có thể thuộc về một bác sĩ từng đi chu du nhiều nơi tên Baptista.

Bản mô tả ngày tận thế bắt đầu với một bản đồ chỉ ra tình trạng của thế giới trong thời gian năm 639 - 1514. Trái Đất có hình tròn, và châu Á, châu Phi, châu Âu được minh họa như những góc hình miếng bánh bao quanh bởi nước. Phần chữ miêu tả sự trỗi dậy của đạo Hồi, và tác giả coi đây là mối đe dọa ngày càng lớn đối với Cơ Đốc giáo. Theo Van Duzer, đó là thành kiến rất phổ biến ở châu Âu thời đó.

Những tấm bản đồ tiếp theo mô tả "lưỡi kiếm Hồi giáo" càn quét châu Âu sau sự trỗi dậy của đạo Hồi bằng hình tam giác lớn kéo dài đến hai cực. Một tấm bản đồ khác vẽ hình cánh cổng địa ngục mở ra vào Ngày phán quyết, được tác giả dự đoán diễn ra năm 1651. Trang tiếp theo có hình địa cầu nhỏ bằng phẳng, tượng trưng cho thế giới sau đó. Tất cả bản đồ trong tập bản thảo đều mang tính biểu tượng.

Cách viết trong bản thảo mang đậm màu sắc cá nhân. Tác giả tính toán khoảng cách đến thiên đường là 777 dặm Đức từ Lübeck đến Jerusalem, và cần đi thêm 1.000 dặm nữa để tới cực đông của Trái Đất (dặm Đức là một đơn vị đo lỗi thời với nhiều biến thể và khó suy ra đơn vị tương đương ở thời hiện đại). Người này cũng tính toán chu vi của Trái Đất và Địa ngục tương ứng là 8.000 và 6.100 dặm Đức.

Ngoài phần nói về ngày tận thế, bản thảo còn bao gồm phần nói về y khoa và kiến giải địa lý vượt thời đại. Ví dụ, tác giả viết về yêu cầu điều chỉnh cỡ chữ để bản đồ không bị bóp méo và trở nên dễ đọc hơn, một vấn đề vẫn làm khó các nhà vẽ bản đồ ngày nay.

Phần cuối của kiến giải địa lý có một đoạn thảo luận ngắn về mục đích và chức năng của bản đồ thế giới. Theo Van Duzer, tác giả thể hiện cách hiểu về bản đồ theo chủ đề như một phương tiện minh họa đặc điểm của con người hoặc tổ chức chính trị ở những vùng miền khác nhau. "Đối với tôi, đây là một trong những đoạn văn thú vị nhất khi một người ở thế kỷ 15 chia sẻ quan điểm về những gì bản đồ có thể mô tả", Van Duzer nói.

Theo Theo VnExpress