Rùng mình chữa tâm thần ở đền thờ Afghanistan

TPO - Một thanh niên gần như khỏa thân ngồi ro ro trong một căn phòng bê tông, cổ chân của anh bị xích vào một cái vít trên tường.
 

Ruồi bu đầy xung quanh những viết thương trên cổ tay anh do bị cùm và xích cứa vào. Phân lênh láng trong một góc tường.

Đây không phải là một nhà tù, anh Jalaludin, 23 tuổi cũng không hề phạm tội. Nhà thờ Mia Ali Baba ở miền đông Afghanistan là một thánh địa, những ai muốn chứa bệnh tâm thần như anh Jalaludin có thể đến đây ở trong khoảng 40 ngày để các vị thần thánh chữa lành bệnh.

 

Trong suốt 300 năm qua, ngôi đền này là nơi chữa bệnh của những bệnh nhân tâm thần. Đến thánh đường để chữa bệnh là một danh dự. Người dân nơi đây tương truyền rằng ngôi đền thờ một vị thánh tên Ali Baba, vị thánh đến chăm sóc cho những người tâm thần trong khi mọi người đều xa lánh họ.

 

Ông Mia Subadar, người trông coi ngôi đền cho biết: “Đây là không chỉ là nghĩa vụ mà còn là danh dự đối với gia đình. Kể từ khi tôi đến đây, hàng trăm người đã đến trị bệnh và họ đã trở nên khỏe mạnh”.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và những nhà phê bình lại chỉ trích những ngôi đền như thế này. Họ nói chúng hoàn toàn không hiệu quả đồng thời tạo cơ hội cho những kẻ dựa vào mê tín dị đoan để kiếm lời.

 

Nhưng ở Afghanistan, một đất nước bị tàn phá bởi nghèo đói và chiến tranh trong suốt nhiều thập kỉ qua, rất nhiều người thậm khí không thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế cơ bản nhất chứ đừng nói đến cơ sở vật chất dành riêng cho những bệnh nhân tâm thần. Chính phủ Afghanistan cho biết có đến 60% dân số Afghanistan mắc các chứng rối loạn tâm lý do lo âu hay trầm cảm.

Những gia đình nghèo khó đành phải đưa người thân đến những ngôi đền như Mia Ali Baba, hi vọng phép lạ có thể xảy ra để chữa lành cho người thân của mình.

Những bệnh nhân được gửi đến đây đều bị xích vào một bức tường của căn phòng chật chội, không cửa sổ. Họ chỉ được uống nước, ăn bánh mì với hạt tiêu đen. Họ cũng không được phép tắm, chỉ được rửa mặt và tay chân. Nói chuyện với người khác cũng bị nghiêm cấm.

 

Nếu người trông coi ngôi đền cho rằng bệnh tình đang cải thiện dần, họ sẽ được tháo xích trong vòng vài phút để có thể cầu nguyện, đi ra ngoài hay đến phòng tắm.

Anh Mohammad Sadeq, 40 tuổi, cho biết anh được các anh trai gửi đến Mia Ali Baba. Anh nói ngoài tính cách nóng nảy ra, anh không biết mình bị mắc bệnh gì để phải vào ngôi đền này.

Anh nói: “Tôi là một người hoàn toàn bình thường nhưng bất cứ khi nào tôi ra khỏi nhà, những đứa trẻ lại hét lên: “Nhìn người đàn ông điên kìa” và không ngừng ném đá vào tôi. Tôi chẳng biết gì cả. Thậm chí bây giờ tôi còn không biết liệu tôi có phải là con người nữa không”.

Phan Yến
Theo Huffington Post

Theo Dịch