Nhớ lại hành trình sống chung với hen suyễn của mình, chị Trúc Giang (Thanh Chương, Nghệ An) đến giờ vẫn nhiều lúc giật mình vì đã phải nuốt sống những con thạch sùng vừa bắt trên tường nhà. Chuyện cách đây khoảng 20 năm, lúc chị còn học phổ thông, những cơn hen suyễn đeo bám khiến bố mẹ chị rất lo lắng.
Quan niệm con gái bị “hen thì sinh con sao nổi” khiến mẹ chị nghe ai mách gì là làm lấy. Trong làng có bà già tên là Song mách rằng nuốt thạch sùng sống sẽ khỏi, thế là mẹ chị dỗ dành: “Con can đảm lên”. Thấy Trúc Giang sợ, mẹ chị còn dẫn tới nhà bà Song để “học” cách nuốt.
Tối nào, bà Song cũng thắp một ngọn đèn mờ ảo, rồi bà ngồi quan sát thạch sùng vồ muỗi trên vách. Con nào trên cao thì bà dùng vợt “tóm” chúng. Con nào dưới thấp thì bà nhoài người “vồ”. Bắt được con nào, bà gật gù rồi đưa nó vào miệng một cách ngon lành. Có lúc bà giơ lên, khi phần thân nó tuột vào miệng thì cái đuôi đứt còn run rẩy trên tay bà.
Bà nói: “Cả đời tao hen suyễn, chả có thuốc gì, mỗi tối nuốt 3 con này”. Đám trẻ con trong làng rất hay “rình” ở cửa sổ nhà bà “theo dõi”, hiếu kỳ lẫn sợ sệt vì nghĩ bà kỳ lạ, ma quái. Nhưng bà rất tin vào thần dược đó, bà thường nói với người ta rằng: “Tao vẫn bị hen suyễn cả đời nhưng nếu không nuốt chúng thì chắc chết rồi, đâu sống đến giờ”.
Trúc Giang sau khi nhìn thấy thì cũng dám nuốt nhưng chỉ những con nhỏ. Bọn trẻ con biết được nên hay trêu chị: “Ê, nhỏ thạch sùng”. Nhưng đến lần thứ ba, chị nôn ọe, sợ hãi, van xin thì “mẹ tha cho”. Đã gần 20 qua đi, giờ nhớ lại chị vẫn sợ. Sau khi chuyển qua chữa trị bằng thuốc Tây y, đến giờ khi đã hơn 30 tuổi chị Trúc Giang thỉnh thoảng vẫn bị tái hen mỗi khi giao mùa.
Mẹ chị đến giờ vẫn còn “ấm ức”: “Vì hồi xưa không nghe mẹ chịu khó nuốt thạch sùng sống nên giờ con vẫn bị”. Còn bà Song, sau ngần ấy năm bà vẫn liên tục hen suyễn đến nỗi đêm bà ngủ trong nhà mà cả xóm còn nghe được tiếng bà khò khè, nhưng sự thật bà vẫn thượng thọ.
Nuốt thạch sùng sống để chữa bệnh. (Ảnh minh họa)
Nghệ thuật “ăn tươi nuốt sống”
Trong chuỗi nghệ thuật nuốt sống, không chỉ có nuốt sạch sùng, mà nhiều người thích nuốt mật các loại cá sống. Ông Nguyễn Văn Hảo (Hải Dương) đã từng một thời gian dài thích nuốt mật cá.
Ông Hảo nói rằng: “Nuốt mật cá thì chủ yếu là cánh đàn ông vì tin rằng chúng giúp khỏe mạnh, tráng dương”. Mỗi lần mổ cá, ông mổ thật nhanh, cẩn thận không để vỡ mật. Mỗi lần cầm cái mật còn đầy máu cá trên tay, ông hào hứng ngửa cổ cười ha ha rồi ực một cái, mật cá đã tọt vào bụng. Bây giờ, đã ngoài 70 tuổi, hễ thấy mật cá là ông sợ: “Già rồi nên thấy nó tanh lắm, nhìn thôi đã ghê, không nuốt nổi nữa. Tôi bỏ thói quen này gần chục năm rồi”.
Hỏi ông Hảo rằng nó có tác dụng thế nào thì ông trả lời: “Nghe họ nói thế, mình tin nên dùng, còn cũng chả biết nó khỏe thật không nữa”. Vợ ông nghe thấy thì “kèo” thêm: “Tác dụng gì, mỗi lần nuốt xong, ông ấy lại uống thêm 2 chén rượu nên giờ nghiện rượu. Có lần đau bụng tiêu chảy
tôi nói tại mật cá sống, ông ấy không chịu, đổ lỗi tại thức ăn tôi nấu”.
Câu chuyện về nuốt sống động vật, mật động vật không phải chuyện lạ của cư dân nhiều vùng ở Việt Nam và châu Á. Sự thật chúng có màu nhiệm?
Dụng chưa thấy mà hại đã về
Nhiều chuyên gia y tế đã khẳng định rằng mật cá có thể gây ngộ độc đến tử vong. Theo TS, BS. Phạm Duệ (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai): Mật động vật nào cũng có axit. Trong quá trình hoạt động, mật tiết ra axit với lượng nhỏ để tiêu hóa thức ăn. Còn khi đưa liều lượng cao vào cơ thể có thể gây ngộ độc.
Ảnh hưởng lớn nhất của chất độc trong mật động vật là làm suy thận, phù phổi cấp, rối loạn tiêu hóa. Các chất độc chỉ có trong mật, gan chứ không có trong thịt cá. Độc chất thường gặp là cyprinol sulfate, chất này không tan trong nhiệt và không thay đổi độc tố dù hòa tan trong rượu. Nên nhiều người ngâm rượu hay ăn chín thì vẫn có nguy cơ bị trúng độc.
Ngoài ra, nếu động vật bị bệnh, nhiễm khuẩn thì trong túi mật cũng là nơi tập trung nhiều nhất các vi trùng, vi khuẩn sinh bệnh. Nên khi nuốt sống thì đồng thời bạn đã đưa vào cơ thể mầm bệnh. Vì vậ,y có thể bạn sẽ bị tiêu chảy, mắc bệnh dịch. Cách làm này cũng không chắc an toàn vì rượu không phá hủy được chất độc trong mật cá.
Nếu công bằng mà xét về thạch sùng thì chúng là một vị thuốc được Đông y cũng như Tây y đưa vào sử dụng. Đông y thì nói rằng thạch sùng vị hàn, tính mặn, hầu như không có độc tố, có tác dụng chỉ thống, khu phong.
Còn y học hiện đại phân tích thì thấy thành phần dinh dưỡng chính của thạch sùng là chất béo (dưới dạng lecitin, lyzolecitin, sphingomyelin, cephalin, cardiolipin, phosphattidyn serin), protein và phosphatidylinontola (dạng histamine). Chính vì vậy, thạch sùng có thể chữa trị ho lao, lao hạch, hen suyễn, chữa suy dinh dưỡng…
Nhưng Đông y lẫn Tây y đều dùng chúng dưới dạng nguyên liệu chế biến: làm sạch, bỏ ruột, phơi khô tán bột hoặc nấu nước. Chuyện nuốt thạch thùng sống chưa có ai khẳng định chúng tốt, màu nhiệm hơn. Trong quá trình nuốt cũng có thể tiềm chứa nguy cơ thạch sùng chui vào đường hô hấp.
Có thể bạn chưa biết
1. Các loài cá nhiều độc tố trong mật: Cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá mè trắng Hoa Nam, cá trắm đen, cá trôi Ấn độ, cá mè hoa, cá ét mọi, cá mè hôi, cá hố.
2. Thạch sùng có giá trị nhất là loài thạch sùng cụt. Chúng đang là loài được “săn đón” trong bào chế ra dược phẩm ức chế tế bào ung thư gan, ức chế trực khuẩn lao… Để chữa suy dinh dưỡng cho trẻ, bạn có thể dùng thạch sùng làm sạch, băm nhỏ trộn với trứng dán lên làm thức ăn.