Chia sẻ sau cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, Tim McCormack, điều phối viên Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP), người có hơn 20 năm làm công việc bảo tồn rùa tại Việt Nam cho biết, các cán bộ bảo tồn của ATP cũng như giới bảo tồn rùa đều vô cùng sốc trước cái chết đột ngột của cá thể rùa Hoàn Kiếm này.
ATP chính là đơn vị phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm này vào năm 2007 và thực hiện bảo tồn suốt 17 năm qua với việc liên tục cắt cử cán bộ để quan sát, theo dõi, bảo vệ cá thể hằng ngày.
Điều đáng buồn hơn, theo Tim McCormack, cái chết của rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nỗ lực bảo tồn và khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới hơn 20 năm qua bởi đây là cá thể rùa cái đang ở độ tuổi sinh sản. “Chúng tôi ghi nhận cá thể rùa cái này đã đẻ nhiều trứng trong suốt cuộc đời của nó”, Tim chia sẻ.
So với hai cá thể còn tồn tại trên thế giới, một ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc), một ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội, Việt Nam), cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô từng là niềm hy vọng rất lớn cho nỗ lực bảo tồn bởi đây là cá thể rùa cái, khỏe mạnh, đang ở độ tuổi sinh sản và có nhiều thông tin nhất.
Cá thể này được phát hiện lần đầu vào tháng 6/2007, sau hơn 4 năm tìm kiếm của ATP. Năm 2008, khi bị thoát ra khỏi hồ trong trận lụt lịch sử, cá thể này đã được điều trị vết thương và trả về hồ.
Năm 2020, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội phối hợp với các tổ chức bảo tồn đã bẫy bắt thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, xác định được loài và giới tính của cá thể.
Trong khi đó, cá thể ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc) được nhận định là quá già và mất khả năng sinh sản.
Cá thể còn lại, ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội) được phát hiện vào năm 2018 thông qua công nghệ gene môi trường lại quá bí ẩn và hoang dã. Đến nay, dù có bằng chứng khoa học khẳng định về sự tồn tại của cá thể này nhưng chưa có một bức ảnh rõ nét nào được ghi lại. “Chúng tôi vẫn cần thêm nhiều thời gian, công sức và bằng chứng để chắc chắn hơn về cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh”, Tim chia sẻ.
Trước đó, vào sáng 23/4, cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô chết nổi trên mặt nước. Xác rùa đã được vận chuyển về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để bảo quản ở nhiệt độ -20 độ chờ phương án xử lý của UBND thành phố Hà Nội. Các nhà khoa học cũng đã lấy mẫu phân tích, xét nghiệm. Nguyên nhân cái chết chưa được công bố.
Trước khi được phát hiện chết vào sáng ngày 23/4, cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô từng nhiều phen chết hụt, trong đó có hai lần bị người dân bắt đem bán. Một lần cá thể được các nhà bảo tồn và cơ quan chức năng vận động đem trả lại hồ, một lần khác, rùa tự phá lưới thoát được.
Trong nhiều năm qua, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đã có văn bản đến cơ quan chức năng thành phố Hà Nội kêu gọi bảo tồn hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh. Theo đó, hai cá thể này đối mặt với nhiều nguy hiểm đến từ hoạt động săn bắt của người dân, hoạt động của đập đồng mô và đặc biệt là các hoạt động phát triển kinh tế xã hội quanh khu vực.