Real - Liverpool, cuộc chiến của những nhà vô địch vĩ đại

TPO - Trận chung kết Champions League 2021/22 tại Stade de France giữa Real Madrid và Liverpool không chỉ là cuộc chiến của hai đội bóng mạnh nhất châu Âu, đó còn là cuộc chạm trán của truyền thống, lịch sử, của 19 danh hiệu vô địch và hai DNA chiến thắng.

Real Madrid và Liverpool là hai gã khổng lồ ở châu Âu, những người dệt nên lịch sử C1/Champions League với tổng cộng 19 danh hiệu vô địch cùng vô số khoảnh khắc kinh điển. Vì vậy đây không phải lần đầu tiên họ gặp nhau ở trận chung kết. Và cũng không phải lần hai.

Trước đêm chung kết 2018 với pha ngả bàn đèn tuyệt diệu của Gareth Bale còn Loris Karius trở thành tội đồ thiên cổ, Liverpool và Real đã từng chạm trán trong trận cuối cùng của mùa giải 1980/81. Đó là trận đấu mà bạn sẽ ngạc nhiên, bởi nó rất khác bây giờ, và cũng diễn ra tại Paris.

Những ngày ấy Real đang sống trong “kỷ nguyên màu xám”. Thành công trong nước vẫn được duy trì nhưng vinh quang châu Âu đã khép lại. Họ không thể đăng quang thêm lần nữa kể từ năm 1966, thời chưa có TV màu và những gì nhìn qua truyền hình chỉ toàn màu xám.

Liverpool thì ngược lại. Sau khi trỗi dậy ở Anh đầu thập niên 1970, họ bắt đầu vươn ra châu Âu và ngay lập tức khẳng định vị thế ông chủ. Đã lên ngôi vào các năm 1877, 1978, giờ thì đội quân của Bob Paisley chuẩn bị cho lần thứ 3.

Liverpool nâng cao chiếc Cúp châu Âu năm 1981 sau khi đánh bại Real. (Ảnh: Getty Images)

Là những người chiến thắng liên tiếp, Ray Clemence, Alan Kennedy, Graeme Souness và Kenny Dalglish không có gì lo lắng khi bước vào trận chung kết. Họ thậm chí còn không biết phần lớn cầu thủ bên phía Real. Cái tên hiếm hoi họ biết là Laurie Cunningham, người được mô tả là niềm hy vọng của Real và dù ngón chân gãy chưa lành vẫn bị ép phải ra sân sau lời đe dọa “hoặc là chơi, hoặc sự nghiệp kết thúc” từ Ban lãnh đạo. Tuy nhiên HLV Paisley chả mấy bận tâm. “Gã đó hả, trông cũng nhanh”, ông nói. Và chỉ vậy thôi, không có bất cứ kế hoạch nào để đối phó với anh ta.

Thứ duy nhất khiến Liverpool bận tâm là thức ăn Pháp không hợp khẩu vị. Họ cứ ở lỳ trong khách sạn Meridian, chỉ ăn đậu nướng đóng hộp và chocolate. Kennedy nói rằng anh cùng đồng đội còn chẳng buồn “đi nặng” trong cả tuần.

Đến lúc đứng trong đường hầm chuẩn bị bước ra Parc des Princes, tranh cãi giữa truyền hình và nhà tài trợ khiến Liverpool phải che logo Umbro trên áo. Vậy là các cầu thủ lúi húi dùng băng dính dán lên áo nhau, cười đùa cứ như thể đang ở trong một trận giao hữu.

Năm 1981, Liverpool chơi không tốt nhưng Real còn tệ hơn bởi tâm lý căng cứng. (Ảnh: Getty Images)

Chứng kiến tất cả, cầu thủ Real càng tỏ ra kinh hãi. Những người Madrid đã sống trong âu lo bởi HLV Vujadin Boskov không ngừng khiến họ nghĩ về Liverpool, đồng thời triển khai mọi phương án chống lại đối thủ. Del Bosque, người lúc đó đá tiền vệ, thừa nhận Real đã ra sân với tâm lý thua cuộc.

Công bằng nói, đó không phải trận chung kết hay. Hai đội chơi theo kiểu triệt tiêu lẫn nhau, đầy toan tính và nhiều bạo lực. Nhưng Liverpool không tốt, Real còn tệ hơn bởi tâm lý căng cứng. Cuối cùng The Kop giành chiến thắng với bàn duy nhất được ghi phút 81 bởi Kennedy.

Điều kinh ngạc là các cầu thủ Real vẫn nhận được khoản thưởng 525.000 pesetas. Ban lãnh đạo coi việc lọt vào chung kết là một thành tựu lớn. Del Bosque nói rằng đó là lần duy nhất ông được thưởng dù thua trận, điều không thể tưởng tượng nổi vào bây giờ.

Thời gian này tất cả chỉ biết Real là Vua của châu Âu và mọi kết thúc không phải chức vô địch đều được coi là thất bại.

Bây giờ, Real là Vua của châu Âu với 13 lần vô địch. (Ảnh: Getty Images)

Chúng ta cũng nghe nói rất nhiều về cái gọi là DNA Champions League của Real, thứ khiến họ giành 13 danh hiệu và giúp vượt qua PSG, Chelsea rồi Man City trong những đêm không tưởng. Los Blancos không hay hơn đối thủ, thậm chí bị ép đến nghẹt thở và tiến dần tới bờ vực của thất bại. Nhưng bằng cách nào đó, họ trở lại và đảo ngược mọi logic, mọi dự đoán. Nó mang lại cảm giác dù bất cứ điều gì xảy ra, cuối cùng Real vẫn là người chiến thắng.

Chính người Real đôi khi cũng không dám tin. Rodrygo, vị cứu tinh ở trận bán kết với cú đúp vào lưới Man City, thừa nhận đã nghĩ đến việc tạm biệt Champions League ở phút 89. “Thành thật mà nói, chúng tôi hoàn toàn suy sụp và không nghĩ phép màu sẽ lại xảy ra lần nữa”, tiền đạo người Brazil nói. Giống như huyền thoại Guti lo lắng trước trận đấu, “chúng tôi đã lạm dụng phép màu quá nhiều mùa giải này”.

Vậy mà nó vẫn xảy ra, và lại có một kỳ tích khác, một đêm huyền diệu khác cho Real.

Real có một lịch sử đầy tự hào với C1/Champions League. (Ảnh: Real Madrid)

Real có mối liên hệ mật thiết với C1/Champions League. Chủ tịch huyền thoại Santiago Bernabeu là một trong những động lực chính, bên cạnh nhà báo Gabriel Hanot của L'Equipe, thúc đẩy tạo nên một giải đấu dành cho các nhà vô địch châu Âu. Sau khi C1/Champions League được tổ chức vào năm 1956, thế hệ Galacticos đầu tiên gồm Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas và Paco Gento đã giúp Real vô địch 5 lần liên tiếp, khiến giải đấu sớm được định danh là “của riêng Real”, hoặc “dành cho Real”.

Điều này cũng làm thay đổi tâm lý ở Real. Các CLB khác coi C1/Champions League là giấc mơ, họ coi việc giành được nó là nghĩa vụ. Vì nó là của họ, họ phải bảo vệ nó, giữ nó càng lâu càng tốt. Bất kỳ Chủ tịch, HLV hay ngôi sao nào không thể mang chiếc Cúp “của Real” về phòng truyền thống đều bị coi là thất bại.

Cho dù ở giai đoạn mà ánh hào quang châu Âu chỉ còn là ảo ảnh xa xôi, DNA chiến thắng bị mai một và không có trong tay một đội ngũ tốt như năm 1981, vô địch vẫn là mục tiêu bắt buộc. Khi không thể làm điều đó, tiền đạo Isidro mô tả trận thua mang đến “nỗi thất vọng lớn nhất trong cuộc đời”. Trợ lý HLV Juan Santisteban thì cho biết, thất bại giống như “bị cướp đi thứ gì đó quý giá”.

Lịch sử là lực đẩy đưa Real tới những thành công tiếp theo. (Ảnh: Getty Images)

Phải rất lâu Real mới tìm lại ngai vàng đánh mất. Đó là năm 1998, khi niềm tự hào được đánh thức và Real bỗng nhiên lột xác. Năm đó Los Blancos đã chơi rất tệ ở La Liga. Song tại Champions League, họ đã chơi thứ bóng đá đẹp và hiệu quả cứ như thể Puskas, Di Stefano và Gento nhập vào Raul, Fernando Morientes, Clarence Seedorf và Mijatovic.

Một khi đã đăng quang trở lại, DNA chiến thắng được khôi phục, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha không bao giờ ngừng tiến bước. Từ chiếc Cúp châu Âu thứ 7 vào năm 1998, họ có Decima, chiếc Cúp thứ 10, năm 2014. Sau đó là Undecima, Duodecima rồi Decimotercera, chiếc Cúp châu Âu thứ 13.

Guti nói rằng “là một Los Blancos, chúng tôi biết rằng bất kể tình hình tồi tệ đến thế nào, chiếc áo Real vẫn chắp cánh cho chúng tôi, giúp chúng tôi đánh bại nghịch cảnh và giành chiến thắng”. Người hùng 1998 Mijatovic thì cho biết, trong bóng đá có những thứ không thể giải thích được. Với Real, sự cộng sinh giữa các cầu thủ, người hâm mộ và yếu tố lịch sử có thể tạo nên nguồn năng lượng vô biên, đủ để biến thua thành thắng, biến kỷ nguyên màu xám thành thời đại rực rỡ sắc màu.

Tuy nhiên, để kích hoạt DNA chiến thắng của Real đôi khi cần chất xúc tác, một tia lửa để đánh thức con quái vật đang ngủ, thổi bùng lên niềm đam mê, khát khao chiến thắng mãnh liệt và không cho đối thủ cơ hội.

Hai khoảnh khắc đáng nhớ trong trận chung kết Champions League 2017/18. (Ảnh: Getty Images)

Như năm 2018, lần thứ hai Real chạm trán Liverpool trong trận chung kết Cúp châu Âu. Los Blancos đã không tốt hơn đối thủ quá nhiều nhưng bất chợt vượt lên sau sai lầm tai hại của Karius. Quái vật thức giấc và The Kop dù rất nỗ lực, cũng không thể cưỡng lại, thậm chí tiếp tục sai lầm.

Dĩ nhiên chiến thắng ấy của Real còn mang màu hắc ám, với cú khóa tay buộc Mohamed Salah phải rời sân sớm, sau đó là pha va chạm có chủ đích khiến Karius bị choáng vào đầu hiệp hai của Sergio Ramos. Trong khi đó Liverpool lại quá ngây thơ.

Đây giống như một sự nghịch đảo với trận chung kết năm 1981. Real có cho mình tâm lý chiến thắng sau những lần vô địch liên tiếp. Liverpool thì không. Họ đã không vô địch sau 13 năm và cũng nhiều năm liền không tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu. DNA chiến thắng không vĩnh cửu, nó cần nuôi dưỡng bởi các danh hiệu.

Bây giờ Liverpool tự tin đã trang bị cho mình phẩm chất ấy. Họ đứng dậy ngay sau đêm cay đắng ở Kiev và trở thành nhà vô địch vào năm sau, 2019. Kể từ đó đội quân của Juergen Klopp luôn ra sân với tâm lý chiến thắng và thành thạo việc kiểm soát cuộc chơi.

Chung kết Champions League 2021/22 sẽ diễn ra vào lúc 02h00 ngày 29/05 tại Stade de France, Paris.

Nhìn lại hành trình tới trận chung kết ở Paris sẽ thấy, Liverpool luôn định đoạt kết quả ngay sau trận lượt đi, để rồi chơi trận lượt về với sự thoải mái nhất định. Thậm chí Klopp đã sử dụng đội hình B trong trận làm khách tại Villarreal mà vẫn chiến thắng. Họ có thể cho phép đối thủ ghi bàn, nhưng không cho phép bất ngờ nào xảy ra.

Tất cả khiến cuộc đối đầu với Real, đội luôn tạo ra cú sốc, trở nên thú vị. Và nó cũng rất cân bằng, không giống 2 lần chạm trán trước. Cả hai đều sở hữu những ngôi sao đủ khả năng tạo ra khoảnh khắc quyết định, đồng thời được dẫn dắt bởi hai HLV theo chủ nghĩa lãng mạn, từng trải qua vinh quang và tận cùng đau khổ (với Klopp là trận thua Real năm 2018, Carlo Ancelotti là thất bại trước Liverpool năm 2005).

Điều quan trọng, Real cũng như Liverpool đều có phong độ tốt ở hiện tại và được yểm trợ bởi lịch sử hào hùng của quá khứ. Cả hai mang trong mình DNA chiến thắng, bước ra với niềm tin mạnh mẽ sẽ trở thành nhà vô địch. Thật khó để dự đoán kết quả nhưng có một điều chắc chắn, Real và Liverpool sẽ chiến đấu đến cùng cho thứ mà họ tin tưởng.