Rau an toàn 'mất hút' tại các chợ dân sinh
> Rau an toàn ở chợ đầu mối dưới 10%
> Dân không tin có rau sạch
Hàng trăm chợ dân sinh truyền thống là nơi cung cấp thực phẩm cho các gia đình ở HN. Song, điều đáng buồn là tại các khu vực này, điểm bán rau an toàn (RAT) gần như vắng bóng.
Tìm một chỗ chen chân cũng khó
Trước đây, HN đã từng có nhiều ki ốt kinh doanh RAT tại các chợ Hàng Da, chợ 19/12, chợ Trương Định… Tuy nhiên, khi các chợ này nâng cấp thành trung tâm thương mại thì tất cả các ki ốt trên cũng lặng lẽ biến mất do không chịu nổi chi phí thuê mặt bằng quá cao.
HN còn hàng trăm chợ dân sinh lớn, nhỏ khác nhưng theo chị Nguyễn Thị Hà – xã viên HTX nông nghiệp Đạo Đức (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) thì tìm được một chỗ chen chân vào các chợ này kinh doanh là rất khó khăn. “Tôi đã mất gần nửa năm đi tìm nhưng thất bại”. Theo lý giải của chị Hà thì khu vực kinh doanh rau xanh đã được phủ kín, không còn mặt bằng để bố trí thêm gian hàng. Không ít hộ kinh doanh rau xanh tại chợ từ chối không nhập RAT vì giá cao, bán không có lãi. Ý tưởng mang rau ra chợ không khả thi, chị Hà quay lại với mô hình kinh doanh RAT truyền thống được phần lớn các HTX trên địa bàn HN áp dụng là bán theo hợp đồng với các bếp ăn tập thể, siêu thị.
Cũng nhận thấy đây là kênh phân phối tiềm năng nhưng khi nhảy vào cuộc, ngay cả Tổng công ty Thương mại HN (Hapro) cũng phải từ bỏ với cùng lý do là mở tại các chợ thì RAT hoàn toàn lép vế, không cạnh tranh được với rau thường.
Tìm chỗ bán lẻ khó một, tìm chỗ bán buôn còn khó mười. HN có 5 chợ đầu mối kinh doanh rau xanh tại 5 cửa ngõ ra vào Thủ đô thì ở cả 5 nơi này, các HTX và doanh nghiệp phân phối RAT bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Đại diện Ban quản lý chợ Đền Lừ, chợ Long Biên, chợ Hôm – Đức Viên cho biết, hiện chợ không còn diện tích để mở thêm các khu bán hàng dành riêng cho RAT. Chợ rau Vân Nội và chợ rau Dịch Vọng đang trong tình trạng chợ họp tạm, họp nhờ vào các chợ khác và chưa có điểm hoạt động cố định, cũng như cơ sở hạ tầng đủ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau.
“Chúng tôi có mang rau sạch đến đổ buôn thì tiểu thương cũng không mua. Ngay cả những người có kinh nghiệm kinh doanh rau xanh lâu năm cũng không thể phân biệt đâu là RAT, đâu là rau thường. Vì vậy, họ chỉ mua theo giá rau thường” – đại diện chi nhánh phía Bắc của một DN chuyên phân phối RAT cho biết.
Kết quả khảo sát do Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện năm 2013 cho thấy, có tới 73% số người bán buôn rau không phân biệt được RAT nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật như các công cụ để kiểm tra độ an toàn của rau (bộ quick test kiểm tra nhanh tại chỗ hoặc chứng nhận).
Khó khăn trong việc mở rộng thêm kênh phân phối tại chợ dân sinh nên ở HN 80% người tiêu dùng mua rau thường tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống không tiếp cận được với RAT, trong khi chỉ có khoảng 20% lượng người tiêu dùng mua RAT thường xuyên tại các siêu thị.
Cần có sự đầu tư phát triển cân đối
Gần 2 tuần nay, công ty CP xuất nhập khẩu Viexan – một trong các đầu mối phân phối RAT tại HN đã bắt đầu xúc tiến việc đưa RAT ra chợ dân sinh. Chợ dân sinh được “chọn mặt gửi vàng” đầu tiên là chợ Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Không mở ki ốt bán RAT riêng, cách thức đưa RAT ra chợ là thuyết phục tiểu thương kinh doanh rau thường ở đây bán thêm RAT để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn. Lấy chất lượng RAT để khẳng định, đơn vị này hy vọng có thể sẽ sớm thay đổi thói quen của chính người tiêu dùng và cả các hộ kinh doanh để họ thay đổi hành vi, chuyển sang sử dụng và kinh doanh RAT, loại bỏ rau thường khỏi bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, do đây là dự án được TP đầu tư mang tính chất phi lợi nhuận nên việc triển khai của Viexan là khá thuận lợi. Còn nhiều doanh nghiệp hiện đang phân phối RAT tại HN khi được hỏi đều lắc đầu, không dám tự đầu tư theo hướng ký gửi như vậy vì độ rủi ro lớn, rau xanh là thực phẩm tươi sống, chỉ qua ngày là hư hỏng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công thương HN từng thừa nhận, để kinh doanh RAT, rất khó có điểm kinh doanh nào đem lại lợi nhuận nếu không được hỗ trợ kinh phí do giá thuê mặt bằng cao.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển RAT cung cấp cho người tiêu dùng, TP cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ cho cân xứng.
Hiện nay, việc đầu tư đang thiên nhiều về phát triển vùng sản xuất RAT hơn là mạng lưới phân phối. Bên cạnh việc mở rộng phân phối tại các khu dân cư, TP cần sớm có quy hoạch các điểm bán hàng dành cho RAT tại hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, nhất là với các chợ đang cải tạo theo hướng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm để có diện tích nhất định dành cho việc kinh doanh và phân phối RAT.
Theo Hạnh Lê
Phụ nữ thủ đô