Theo ông Tùng, chiếc tàu cá mà nghiệp đoàn An Vĩnh sở hữu là một trong hai chiếc tàu nằm trong chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) phát động năm 2014. Thời điểm đó, vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam rất nóng bỏng và được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Để khẳng định chủ quyền, hàng chục triệu người dân trên cả nước đã chung tay, góp sức ủng hộ tiền bạc để tặng tàu cho ngư dân Lý Sơn bám biển.
“Để xảy ra những lùm xùm này, trách nhiệm thuộc về Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Quảng Ngãi. Những đơn vị này phải quan tâm sâu sát hơn tới hoạt động nghiệp đoàn và ngư dân; chỉ đạo nghiệp đoàn đi đúng hướng để giúp ngư dân yên tâm bám biển, chứ không phải để ngư dân lấy tàu đi cho thuê”.
Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam
“Chương trình như tiếp thêm được động lực cho ngư dân Lý Sơn. Nhưng hiện nay ngư dân Lý Sơn đánh bắt cá ở Hoàng Sa, Trường Sa rất vất vả. Họ luôn ra khơi trong tình trạng thấp thỏm khi đối mặt với nhiều rủi ro. Trong khi việc quản lý của nghiệp đoàn lại rối ren, khiến ngư dân mất đoàn kết”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, để xảy ra những lùm xùm này, trách nhiệm thuộc về Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Quảng Ngãi. Những đơn vị này phải quan tâm sâu sát hơn tới hoạt động nghiệp đoàn và ngư dân; chỉ đạo nghiệp đoàn đi đúng hướng để giúp ngư dân yên tâm bám biển, chứ không phải để ngư dân lấy tàu đi cho thuê, sử dụng sai mục đích.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Tổng LĐLĐ đã nhận được đơn phản ánh của nghiệp đoàn An Hải (một trong 2 nghiệp đoàn nghề cá ở Lý Sơn) và đang cho kiểm tra và rà soát lại.