Rà soát giảm thuế, phí cho doanh nghiệp năm 2013

TP - Đó là thông điệp được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh gửi đến các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF) ngày 3-12.
Chính phủ cam kết năm 2013 sẽ rà soát phí và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để giúp DN giảm bớt chi phí Ảnh: Hồng Vĩnh

> Doanh nghiệp không ngừng 'khai tử'
> Thu nhập 80 triệu, phải nộp thuế 28 triệu

Kéo giảm chi phí cho DN

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi các nhà đầu tư là nhân tố của sự phát triển, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình.

Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp cận vốn, lãi suất. Tới đây, Chính phủ sẽ điều hành theo xu hướng lạm phát giảm và xem xét giảm lãi suất theo xu hướng đó.

“Việc cơ cấu lại nợ và giải quyết các khoản nợ xấu, chúng tôi đã đang và sẽ làm một cách quyết liệt, Chính phủ Việt Nam khẳng định điều này hoàn toàn có thể làm được. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay trên 70% là có tài sản đảm bảo. Các tổ chức đã thực hiện trích dự phòng rất lớn”- Ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, quan điểm của Chính phủ sẽ hạn chế việc tăng chi phí của DN, trong đó có cả thuế và phí. Về thuế, Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình cải cách thuế đến 2015, trong lộ trình đó sẽ giảm thuế.

Trước mắt, thuế thu nhập doanh nghiệp có lộ trình 2015-2020. Năm 2013, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng hạ thuế đồng thời chỉ đạo rà soát, xem xét các khoản phí và lệ phí theo hướng không tăng gánh nặng cho DN.

Theo ông Ninh, lương tối thiểu ở Việt Nam nếu theo lộ trình đến năm 2015-2016 mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Theo lộ trình đó, năm 2013 Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu 22-25%.

Nhưng vừa qua Chính phủ, cá nhân tôi đã nhận được đơn của các Hiệp hội ngành hàng kiến nghị chỉ tăng trong khoảng 17-18%. Ngày hôm qua, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị này.

“Với mức tăng lương tối thiểu 17-18% so với năm 2012, chỉ có 6,6% số doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lương tối thiểu so có mức lương thấp hơn lương tối thiểu 2013 và phần chi phí tăng thêm không đến 1%. Điều này cho thấy không phải do điều chỉnh lương tối thiểu ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp”- Ông Vũ Văn Ninh nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI là vẫn phải vay vốn cao hơn mức quy định.

Khó khăn đổ vỡ hiện nay của doanh nghiệp một phần do chính sách, một phần khác do năng lực quản trị của doanh nghiệp. Để gỡ khó cho DN, đề nghị giãn lộ trình tăng, giãn thuế, phí và các loại lệ phí mới cũng như đề nghị giảm thuế thu nhập DN xuống còn mức 20% và khôi phục lại một số ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp.

Nợ lẫn nhau “sợ” hơn hàng tồn kho

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Christopher Twomey cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những cải cách cấp thiết để tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn. Cùng với đó, việc giải quyết nợ xấu trong ngân hàng cần được Chính phủ ưu tiên xử lý.

Các số liệu khảo sát của AmCham cho thấy, 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết tham nhũng là một trong hai vấn đề quan ngại hàng đầu với doanh nghiệp, trong khi hiện chưa có hàng rào ngăn chặn hữu hiệu đối với vấn đề tham nhũng.

Các thành viên của AmCham cũng lo ngại sự chậm trễ trong thực hiện các dự án trọng điểm, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính và Việt Nam cần triển khai ngay những cải cách cần thiết để cải thiện hình ảnh, tránh làm mất đi hình ảnh của một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ông Đặng Đức Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội cho rằng, nếu hỏi doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn gì nhất và cần điều gì nhất?

Câu trả lời hầu hết là: Cần lấy lại niềm tin. Doanh nghiệp đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách. Khi đã minh bạch và nhất quán thì doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng và bền vững.

Theo ông Dũng, vấn đề tồn kho cao là đáng lo nhưng không phải lo nhất. Có một thực tế khác là những doanh nghiệp tồn kho thấp nhưng công nợ phải thu lớn, không thu hồi được, thậm chí còn nguy hiểm hơn tồn kho cao.

Hiện nợ xấu mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng thống kê được nhưng nợ xấu mà doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, các công trình nhà nước còn nợ doanh nghiệp thì rất khó thống kê.

Vướng mắc về pháp lý và thủ tục khiến các khoản nợ này ngày một phình to ra và không có cách giải quyết dứt điểm, doanh nghiệp làm ăn chân chính rơi vào tình trạng hụt hơi mà không được bảo vệ một cách thực thụ vì khó có thể đòi được nợ thông qua việc kiện ra tòa án.

“Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp giúp đẩy nhanh việc giải ngân, thanh toán của các doanh nghiệp lớn khi thực hiện các dự án đầu tư ở các địa phương. Đề nghị lãnh đạo Chính phủ bớt thời gian, thay vì đi xuống các doanh nghiệp lớn để dành đi xuống các doanh nghiệp nhỏ để thấy được những khó khăn thực tế hiện nay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”- Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội kiến nghị.

Giá thuê văn phòng ở Việt Nam đắt hơn các nước khu vực

Tại diễn đàn, ông Susumo Sato, đại diện Jetro Hà Nội cho biết: Giá điện ở Việt Nam thấp hơn các quốc gia châu Á nhưng việc cấp điện lại không ổn định.

Giá nước cũng ở mức thấp nhưng chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội đắt còn giá thuê văn phòng ở TP.HCM cao hơn cả so với các quốc gia khác ở khu vực ASEAN. Giá điện thấp, chi phí nhân công thấp vẫn là những yếu tố hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Báo giấy