Vậy điều kiện, thủ tục phá sản doanh nghiệp bao gồm những vấn đề gì cũng như đâu là lưu ý cho doanh nghiệp xung quanh vấn đề này? Những phân tích, chia sẻ của Luật sư Đặng Văn Cường, Luật sư trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
PV: Trước tiên xin cảm ơn Luật sư Đặng Văn Cường đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, những chủ thể nào có thể nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một doanh nghiệp phá sản? Và khi một doanh nghiệp bị tòa án tuyên bố phá sản, doanh nghiệp đó cần thực hiện những nghĩa vụ gì? Xin ông có thể làm rõ nội dung này.
Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của Luật Phá Sản năm 2014, có hai nhóm chủ thể: nhóm chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và nhóm chủ thể có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo điều 5 của Luật Phá Sản, nhóm chủ thể thứ nhất bao gồm: Chủ nợ; Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở; Cổ đông hoặc nhóm cổ đông; Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã. Nhóm chủ thể thứ hai bao gồm: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Khi tòa án đã thụ lý đơn đề nghị tuyên bố doanh nghiệp phá sản, căn cứ vào quy định tại khoản 3 điều 20 của Luật Phá Sản năm 2014, doanh nghiệp phải công bố công khai về việc là mình đã bị tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đến các chủ nợ, người lao động, các đối tác… Đồng thời, doanh nghiệp đó cũng phải thông báo công khai trên trang thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và trên các trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán.
Theo quy định của Luật phá sản, khi một doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thì sẽ có tòa án, quản tài viên, các doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản sẽ kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, luật quy định là có một số hoạt động doanh nghiệp không được phép thực hiện. Ví dụ: Thứ nhất, doanh nghiệp không được trả các khoản nợ không có bảo đảm (trừ trường hợp những khoản nợ phát sinh sau khi bị mở thủ tục phá sản). Thứ hai, doanh nghiệp không được thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản nhằm mục đích tẩu tán tài sản. Thứ ba, doanh nghiệp không được thực hiện các giao dịch và hoạt động gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp hoặc làm gia tăng các khoản nợ khác.
PV: Thực tế cho thấy, có không ít doanh nghiệp bị tòa án tuyên bố phá sản nhưng vẫn không công khai thông tin này tới các chủ thể có liên quan hoặc thực hiện các giao dịch trái với quy định của pháp luật. Vậy chế tài xử lý cho những hành vi này hiện nay được quy định cụ thể như thế nào thưa ông?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trường hợp một doanh nghiệp đã bị tòa án thụ lý ra quyết định mở thủ tục phá sản mà không công bố, không công khai thông tin thì có thể gây ra những hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến cả các đối tác, chủ nợ, người lao động và các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước. Trong trường hợp này, đơn giản nhất là doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 71 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đó chính là mức phạt đơn giản nhất do hành vi không công bố công khai thông tin.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản mà vẫn trả những khoản nợ không có bảo đảm, vẫn chuyển giao, chuyển dịch tài sản hoặc thực hiện những giao dịch để che dấu thông tin về doanh nghiệp mình, thì rõ ràng những giao dịch đó có thể bị tuyên bố vô hiệu. Đặc biệt, nếu những giao dịch đó mà phát sinh tranh chấp gây thiệt hại, thậm chí có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì còn có thể bị xử lý hình sự với những tội như lừa đảo, các tội lừa dối khách hàng,…
PV: Theo quy định Luật phá sản năm 2014, không chỉ bản thân doanh nghiệp được quyền nộp đơn xin phá sản lên tòa án mà các chủ nợ cũng có quyền yêu cầu phía tòa án mở thủ tục này. Vậy việc này có thể đảm bảo quyền lợi gì cho các chủ nợ? Để làm được việc này thì các chủ nợ cần phải chuẩn bị những điều kiện gì thưa ông?
Luật sư Đặng Văn Cường: Khi tòa án thụ lý và ra quyết định mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, lúc đó sẽ có thẩm phán, kiểm sát viên, quản tài viên, công ty quản lý thanh lý tài sản giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tránh việc tẩu tán tài sản. Lúc đó, quyền lợi của chủ nợ sẽ được đảm bảo. Không chỉ chủ nợ trực tiếp nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố một doanh nghiệp phá sản mà quyền lợi của tất cả các chủ nợ khác cũng được đảm bảo. Số tài sản còn lại của doanh nghiệp sẽ được chia theo tỷ lệ.
Để yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản cho một doanh nghiệp, các chủ nợ cần phải đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất là chủ nợ phải có khoản nợ đến hạn mà vẫn chưa được thanh toán với doanh nghiệp đó. Khoản nợ đó phải được xác định đã quá hạn ba tháng rồi mà doanh nghiệp vẫn không có khả năng thanh toán. Ngoài ra, các chủ nợ có thể căn cứ vào các tài liệu để chứng minh có khoản nợ, ví dụ như biên bản đối chiếu công nợ hai bên, xác nhận về công việc hoặc căn cứ vào hợp đồng phát sinh nghĩa vụ các bên.
PV: Rõ ràng là không có doanh nghiệp nào mong muốn mình rơi vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, nếu không may hoặc vì lý do nào đó, một doanh nghiệp bị tòa án ra quyết định phá sản thì doanh nghiệp đó nên làm gì thưa ông?
Luật sư Đặng Văn Cường: Trong những tình huống như vậy, trước tiên người quản lý điều hành doanh nghiệp cũng như là chủ sở hữu doanh nghiệp phải bình tĩnh, nhìn nhận đánh giá lại tình trạng của doanh nghiệp mình và đưa ra phương hướng để xem là doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động tiếp được hay không. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động, các đối tác, các chủ nợ và phải phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc mở các thủ tục phá sản.
Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp khẳng định mình hoàn toàn có khả năng thanh toán các khoản nợ đó (chỉ là đang có tranh chấp về số tiền nợ hay còn yếu tố nào đó), doanh nghiệp có thể thông báo cho tòa án là mình hoạt động bình thường, không phải lâm vào tình trạng như vậy và hoàn toàn có thể trả những khoản nợ đó. Ngược lại, nếu doanh nghiệp thực sự lâm vào tình trạng đó, vấn đề tiếp theo là giải pháp nào để tháo gỡ, nếu không thể tháo gỡ được nữa thì buộc phải phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan theo quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!