Thưa ông, xin ông cho biết “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là quỹ) được thành lập từ khi nào và cơ quan nào cấp phép?
Mến chào quý độc giả của Báo Tiền Phong. Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ theo quyết định số 487/QĐ-BNV ngày 6 tháng 7 năm 2020.
Ông có thể cho biết làm thế nào để quỹ được cấp phép và hoạt động hợp pháp, hay nói cách khác, các yêu cầu để tổ chức cá nhân có thể thành lập được quỹ từ thiện theo đúng pháp luật?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức cá nhân có thể xin phép để thành lập quỹ từ thiện, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm các bước cơ bản để thực hiện của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Những cá nhân đứng ra vận động thành lập quỹ (thành viên sáng lập quỹ) phải có xác nhận lý lịch tư pháp rõ ràng, không vi phạm pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân, phải kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Phải đặt ra mục tiêu, tôn chỉ mục đích để thành lập quỹ và hoạt động thế nào sau khi được cấp phép. Các cá nhân sáng lập quỹ phải có tài sản đảm bảo cho hoạt động của quỹ và phải chứng minh đó là tài sản hợp pháp có thể đóng góp vào quỹ và không hoàn trả lại, hay sử dụng ngoài mục đích tôn chỉ của quỹ. Giá trị tài sản đóng góp ban đầu để thành lập quỹ từ thiện là 6,5 tỷ đồng.
Các thành viên sáng lập “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” gồm tôi là TS.BS Trần Chí Cường (Trưởng ban), BS.CKII Phan Trịnh Minh Hiếu (Phó ban), ThS Hoàng Kim Nga (thành viên), Bà Đỗ Huỳnh Phương Lan (thành viên), Ông Nguyễn Quốc Cường (thành viên).
Vì sao ông và các thành viên sáng lập quyết định thành lập quỹ, tiêu chí tôn chỉ mục đích của quỹ?
Mỗi năm, tại Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ, riêng theo thống kê của Bệnh viện đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ kể từ khi đi vào hoạt động đến tháng 12/2022 bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 400.000 lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 160.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ, đa số bệnh nhân ở các tỉnh Miền Tây cũng như các khu vực khác trong cả nước.
Chúng tôi đã chứng kiến và thấu hiểu nhiều câu chuyện sinh tử nơi phòng bệnh, khi mà người đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không loại trừ một ai. Càng thấu hiểu rõ hơn sự khát khao, hy vọng người thân được cứu chữa nhưng đôi khi chúng ta đành bất lực bởi cái nghèo bởi chi phí thuốc men, dụng cụ y tế để can thiệp điều trị đột quỵ lâu dài có khi lên đến hàng trăm triệu đồng bệnh nhân nghèo khó có thể chi trả được.
Với mục đích nhân đạo giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân nghèo khi bị đột quỵ, đồng hành cùng ý nghĩa cao đẹp cứu người không kể giàu nghèo của ngành y nhóm sáng lập đã được sự ủng hộ và cấp phép của Bộ Nội vụ, chính thức thành lập “Quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tôi cho rằng việc sáng lập quỹ từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo bị đột quỵ, không những mang mục đích cao đẹp là giúp đỡ và hỗ trợ cho những người bệnh nghèo không may bị đột quỵ, mà còn mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đối tượng thụ hưởng quỹ là ai?
Quỹ từ thiện hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích từ thiện, nhân đạo giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách có công chẳng may bị tai biến mạch máu não (đột quỵ), các bệnh lý về tim mạch, bệnh tim bẩm sinh, không có khả năng chi trả viện phí. Quỹ có phạm vi hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (có thể xin mở rộng hoạt động ra cả nước nếu đủ kinh phí).
Từ ngày thành lập đến nay, quỹ đã hỗ trợ bao nhiêu người (tổng số tiền, nếu có)?
Quỹ sau gần 3 năm hoạt động, quỹ đã cùng Bệnh viện S.I.S Cần Thơ hỗ trợ cho 1.119 bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, với tổng số tiền là gần 10,6 tỷ đồng.
Quỹ đã vận hành như thế nào để đảm bảo tính minh bạch về mặt tài chính và sự tin tưởng của cộng đồng?
Quỹ được vận hành dưới sự quản lý của Hội đồng quản lý quỹ. Hàng năm, hội đồng có trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện đại chúng (website: sischarity.vn và fanpage: SIS Charity Foundation) trước ngày 31/3; báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trước ngày 31/12. Điều này đảm bảo tính minh bạch về tài chính, tạo nên sự tin tưởng của quý mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa.
Được biết, ngày 6/5 bệnh viện sẽ tổ chức đêm nhạc gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ. Bệnh viện có thông điệp nào gửi đến cộng đồng trong đêm nhạc này?
Bên cạnh mục đích quyên góp, đêm nhạc còn mang trong mình thông điệp sâu sắc về sức khỏe và tình người. Nhắc chúng ta về tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe cũng như sẵn sàng chia sẻ yêu thương, quan tâm đến những người bệnh gặp khó khăn. Đêm nhạc sẽ là cơ hội để chúng ta tận hưởng những phút giây giải trí, là dịp thể hiện tấm lòng nhân ái của mình, cũng là cách để chúng ta thực hiện tinh thần “chọn sống khỏe, chọn sẻ chia”.
Định hướng phát triển quỹ của bệnh viện trong thời gian tới?
Chúng tôi sẽ phát triển mở rộng mạng lưới cấp cứu điều trị đột quỵ ra các địa phương khác đang có nhu cầu như Miền Trung, Tây Nguyên, những nơi có điều kiện khó khăn chưa tiếp cận được y tế công nghệ cao cũng như các nơi y tế đang quá tải. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường kêu gọi những người có khả năng đóng góp từ thiện để quỹ có thể giúp các bác sĩ yên tâm cứu chữa bệnh nhân, không bị ảnh hưởng chất lượng điều trị liên quan do thiếu tiền.
Xin trân trọng cảm ơn ông!