Quỹ đen của các tập đoàn vũ khí

Trong suốt 20 năm, BAE Systems - nhà chế tạo vũ khí lớn nhất nước Anh, đã duy trì một quỹ đen nhiều chục triệu bảng nhằm "bôi trơn" cho các hợp đồng vũ khí trị giá hàng chục tỉ bảng.

Phần lớn số tiền trong quỹ đã được rót vào túi các quan chức và thành viên Hoàng gia Arập Xêút - khách hàng lớn nhất của BAE và cũng là quốc gia mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới.

Thực ra từ trước đến nay, dư luận đã rất nghi ngờ về hoạt động mờ ám của các tập đoàn vũ khí trong những thương vụ có giá trị khổng lồ. Nhưng việc “bắt tận tay day tận trán” như của BAE Systems thì lại là trường hợp “xưa nay hiếm”.

Người đứng ra tố cáo BAE Systems không ai khác chính là hai cựu nhân viên của hãng, từng đảm nhiệm công việc “biếu xén” cho ông khách giàu có đến từ Trung Đông.

Nhân vật đầu tiên phải kể đến là Peter Gardiner từng phụ trách việc “chăm sóc” Hoàng tử Turki bin Nasser, người đứng đầu chương trình mua sắm vũ khí của Arập Xêút trong hơn 2 thập niên qua.

Từ năm 1988, Gardiner bắt đầu làm việc cho British Aerospace (BA), tên gọi trước đây của BAE Systems khi ông đang là giám đốc một công ty du lịch nhỏ có tên Robert Lee International.

Công việc duy nhất mà Gardiner được ban lãnh đạo BA giao cho là thông qua công ty của mình cung cấp tiền cho các chuyến du hí của một nhân vật rất quan trọng trong Hoàng gia Arập Xêút.

Theo như tiết lộ của Gardiner trong chương trình “The Bribing for Britain” của Đài BBC, quỹ đen này có trị giá tới 60 triệu bảng.

Gardiner đưa ra một số sự kiện đáng nhớ: trong ngày sinh nhật vợ của Nasser, BAE đã tặng cho bà ta một chiếc Rolls-Royce trị giá 170.000 bảng.

BAE còn thuê hẳn một chiếc Boeing 747 chuyên phục vụ cho các chuyến mua sắm tại các trung tâm châu Âu của bà ta và đoàn tùy tùng.

Vào năm 2001, Gardiner được lệnh tổ chức một kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tuần trị giá 2 triệu bảng cho gia đình Hasser.

Nhân vật thứ 2 đứng ra tố cáo BAE Systems hối lộ là Edward Cunningham, người phụ trách việc chăm sóc các quan chức cấp thấp hơn của Arập Xêút. Cunningham thừa nhận đã đứng ra thanh toán các hóa đơn đánh bạc và thu xếp gái mại dâm cho các quan chức và các phi công Arập Xêút trong những lần họ đến Anh. 

BAE Systems là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Chuyên sản xuất máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến, radar, thiết bị điện tử quân sự và hệ thống vũ khí dẫn đường, với doanh thu hàng năm là 12 tỉ bảng (20 tỉ USD).

Năm 1977, BA được thành lập với tư cách là công ty quốc phòng nhà nước. Đầu những năm 80, nó được tư nhân hóa và sau đó đổi tên thành BAE Systems sau khi British Aerospace hợp nhất với Tập đoàn Marconi Electronic Systems năm 1999.

Vụ bê bối quỹ đen liên quan chặt chẽ với hiệp định xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Anh mang tên Al-Yamamah (Bồ câu) mà Chính phủ Anh bí mật ký với Arập Xêút. Hợp đồng Al-Yamamah đầu tiên được ký năm 1986 khi Mỹ, nhà cung cấp vũ khí chính của Arập Xêút vào lúc đó, áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Đồng minh Trung Đông lâu năm của mình.

Lệnh cấm vận này hóa ra lại biến các nhà chế tạo vũ khí Anh trở thành những “ngư ông đắc lợi” khi Arập Xêút tìm đến họ. Trong Al-Yamamah I, BAE được ưu ái nhất với một hợp đồng 72 máy bay chiến đấu Tornado và 30 chiếc Hawk cùng các thiết bị quân sự khác. Năm 1988, Al-Yamamah II được chính phủ 2 nước ký tiếp, trong đó BAE được đặt hàng thêm 96 máy bay Tornado và 100 chiếc Hawk cùng với các máy bay huấn luyện khác.

Giới phân tích tin rằng các hợp đồng Al-Yamamah đã giúp vực dậy BAE giữa những năm 80 khi tập đoàn này đang vật lộn với những khó khăn tài chính.

Hợp đồng này sau đó được chuyển sang hình thức đổi dầu lấy vũ khí. Tổng cộng trong hơn 2 thập niên qua số vũ khí Anh bán cho Arập Xêút có trị giá ít nhất là 20 tỉ bảng (33,4 tỉ USD). 

Trước đó vào giữa năm 2003, BAE đã bị lên án gay gắt khi ký được một hợp đồng gây nhiều tranh cãi bán 66 máy bay tiêm kích Hawk cho Ấn Độ trị giá 1 tỉ bảng (1,7 tỉ USD). Hợp đồng này đã bị đe dọa hủy bỏ nhiều lần trước khi được ký kết nhờ sự can thiệp của Chính phủ Anh.

Năm 2002, giữa sự căng thẳng tột độ giữa Ấn Độ và Pakistan về Kashmir, Thủ tướng Tony Blair đã thăm 2 quốc gia này với sứ mệnh làm trung gian hòa giải nhằm tháo gỡ ngòi nổ xung đột.

Với đóng góp hàng năm cho ngân khố Anh lên tới 5 tỉ bảng, các tập đoàn vũ khí Anh được chính phủ quan tâm đặc biệt trong đó BAE là “đứa con được cưng chiều nhất”. Cơ quan xuất khẩu vũ khí (DESO) thuộc Bộ Quốc phòng Anh đóng vai trò xúc tiến  hoạt động bán vũ khí ra nước ngoài.

Ngoài ra, BAE và các tập đoàn vũ khí của Anh còn nhận được sự trợ giúp từ Phòng đảm bảo tín dụng xuất khẩu (ECGD) của chính phủ mà đứng ra bảo lãnh cho các hợp đồng vũ khí của các tập đoàn này với những quốc gia có độ tin cậy không cao.