Quốc hội Mỹ thông qua Luật ủy quyền Quốc phòng

TP - Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2021 với nhiều điều khoản liên quan đến Trung Quốc; trong đó có “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” (Pacific Deterrence Initiative) gây nên sự chú ý của giới quan sát quốc tế.  
Hải quân Mỹ, Nhật và Australia tập trận chung trên Biển Đông ngày 19-20 tháng 10 năm 2020

Theo hãng tin Reuters của Anh, vào ngày 11/12 theo giờ Washington. Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act), hay ngân sách quốc phòng tổng trị giá 740 tỷ USD. Đạo luật này sẽ được gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump để ông xem xét ký, khi đó mới có hiệu lực. Dự luật này đã được thông qua tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát với kết quả 84 phiếu ủng hộ và 13 phiếu chống, vượt quá 2/3 đa số cần thiết để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống (nếu có). Đây được coi là sự chia rẽ hiếm hoi giữa đảng Cộng hòa và Nhà Trắng tại Quốc hội.

Luật Ủy quyền quốc phòng hàng năm này sẽ cung cấp ngân sách quốc phòng trị giá 740,5 tỷ đô la Mỹ trong năm tài chính 2021, bao gồm các khía cạnh khác nhau như lương quân nhân, mua sắm vũ khí trang thiết bị và các hoạt động đối ngoại quân sự. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nói hôm thứ Năm (10/12) trước khi bỏ phiếu: “Dự luật sẽ chuẩn bị đầy đủ cho quân đội của chúng ta để răn đe Trung Quốc và thể hiện một tư thế mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Trước đó, vào ngày 8/12, Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo cũng đã thông qua dự luật với tỷ lệ phiếu 335 ủng hộ và 78 phiếu chống, cũng vượt quá đa số 2/3 cần thiết để tổng thống không thể phủ quyết.

Nhà Trắng đã tuyên bố rằng lập trường của Tổng thống Trump không thay đổi. Ông Trump sẽ có 10 ngày (trừ Chủ nhật) để phủ quyết, ký hoặc cho phép dự luật trở thành luật mà không cần chữ ký của ông. Ông Trump đã bày tỏ sự phản đối của mình đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2021, cho rằng dự luật không bãi bỏ Điều 230 của Đạo luật về trong sạch trong thông tin (Communications Decency Act), bảo vệ các công ty công nghệ Google, Twitter, Facebook và các công ty khác không phải chịu trách nhiệm về nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ.

Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) ngày 9/12 nói, dự luật này đã khẳng định lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, giúp đỡ Đài Loan duy trì đầy đủ khả năng tự vệ và thiết lập "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương" nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ và liên minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho biết trong bản tóm tắt dự luật: “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc và bất kỳ đối thủ tiềm năng nào, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta, rằng Mỹ cam kết sâu sắc bảo vệ lợi ích của chúng ta trong khu vực đó”.

Ngoài “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương”, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài chính 2021 có gần 40 điều khoản liên quan đến Trung Quốc; bao gồm các lĩnh vực khác nhau như quân sự, công nghệ, học thuật, kinh tế và thương mại, phản ánh những thách thức toàn diện mà Trung Quốc gây ra. Các nhà lập pháp cho rằng, những điều khoản này nhằm răn đe “hành vi ác ý” của Trung Quốc, đảm bảo lợi thế cạnh tranh chiến lược của Mỹ và bảo vệ nước Mỹ khỏi sự xâm nhập.

Dự luật ban hành một số điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi mới ác ý của Trung Quốc trong đó bao gồm, ngăn Trung Quốc có được quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ và dữ liệu quốc phòng nhạy cảm; yêu cầu công khai các công ty quân sự Trung Quốc hoạt động tại Mỹ; cấm xuất khẩu sản phẩm quân nhu, dịch vụ quốc phòng và vật tư quân sự bị kiểm soát cho cảnh sát Hồng Kông.

Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) viết, bản tóm tắt do các thành viên Đảng Cộng hòa của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ công bố đã liệt kê cụ thể “các biện pháp mới để răn đe Trung Quốc”. Trong đó bao gồm: tìm cách đưa Trung Quốc ra khỏi chương trình viện trợ của Ngân hàng Thế giới; bảo vệ chuỗi cung ứng công nghiệp của Mỹ; bảo vệ các nghiên cứu quan trọng và yêu cầu đại diện của Mỹ trong các tổ chức tài chính quốc tế tìm kiếm sự minh bạch trong hoạt động cho Trung Quốc vay vốn...

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài chính 2021 yêu cầu “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải ưu tiên triển khai các hoạt động sau: hiện đại hóa và tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ; cải thiện khả năng hậu cần và bảo trì cũng như triển khai trước các vật tư trang thiết bị, đạn dược, nhiên liệu…; tiến hành các cuộc tập trận chung, đào tạo, thử nghiệm và các dự án đổi mới; cải thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng phản ứng và khả năng phục hồi của quân đội Mỹ; xây dựng khả năng quốc phòng an ninh và hợp tác của các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Zack Cooper, một nhà nghiên cứu chính sách quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương" có thể là bộ luật quan trọng nhất ở châu Á trong những năm gần đây, cho thấy Mỹ đã bắt đầu thay đổi trọng tâm chiến lược.