Quốc hội chốt kinh tế 2014 tăng trưởng 5,8%

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (11/11) với tỷ lệ tán thành 84,5%.

Quốc hội chốt kinh tế 2014 tăng trưởng 5,8%

> Doanh nghiệp FDI vẫn thống lĩnh xuất khẩu
> Doanh nghiệp logistics ngoại 'độc diễn' ở Việt Nam

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (11/11) với tỷ lệ tán thành 84,5%.

Theo đó, bộ 14 chỉ tiêu chủ yếu được thông qua gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 5,8%, cao hơn mức thực hiện 2013 (ước 5,4%), lạm phát giữ nguyên 7%, bội chi ngân sách chiếm 5,3% GDP, tổng vốn đầu tư xã hội bằng 30% GDP...

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể tăng trưởng cao trong 1-2 năm tới. Do vậy, chưa nên đặt vấn đề phục hồi tăng trưởng mà cần duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm hài hòa, cân bằng với các mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Ảnh: VTC.

Trước đó, thảo luận về các chỉ tiêu năm 2014, có ý kiến đại biểu đề nghị không nên thể hiện tỷ lệ bội chi ngân sách trong nghị quyết kinh tế - xã hội mà cần một văn bản riêng về ngân sách. Tuy nhiên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng tình hình cân đối tài chính 2014 rất khó khăn, để bảo đảm tính tập trung cao, cần đưa ngay chỉ tiêu này vào nghị quyết về kinh tế - xã hội.

Về chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng, có ý kiến đề xuất không quá 7% nhưng theo cơ quan soạn thảo, kiểm soát lạm phát năm 2014 sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là tăng đầu tư công, dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công. Vì vậy, đề xuất giữ chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7% nhằm giúp Chính phủ linh hoạt trong điều hành.

Một số ý kiến đề nghị tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 32% GDP, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định để thực hiện mục tiêu tổng quát năm 2014 cân bằng, hài hòa giữa nhiệm vụ tăng tính ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý thì tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chỉ nên ở mức 30% GDP. Song, vấn đề cấp bách là cần triển khai quyết liệt các giải pháp tăng hiệu quả đầu tư, hạn chế và đi đến chấm dứt đầu tư dàn trải, lãng phí.

Theo Thanh Bình - Phương Linh
VnExpress

Theo Đăng lại