Quay cuồng với giấy đi đường: Cán bộ vất vả, người dân bức xúc

TP - Việc Hà Nội triển khai cấp giấy đi đường có mã QR code nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp quay cuồng xoay xở. Chuyên gia chỉ ra nhiều bất cập về thời gian, quy trình thực hiện và hàm lượng công nghệ thấp trong việc cấp giấy đi đường.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân ra vào vùng đỏ ảnh: Long Vân

Chưa biết đăng ký theo cách nào

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Cty CP Thực phẩm an toàn Tâm Thành - đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống (rau, củ quả, thịt) trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho biết, sau khi biết thông tin, ngay ngày 4/9, công ty đã gửi hồ sơ giấy tờ đăng ký cấp giấy đi đường nhưng đến nay (chiều 6/9) chưa nhận được thông tin phản hồi.

Bà Vân Anh cho hay, công ty kinh doanh thực phẩm thiết yếu nhưng không phải dịch vụ công ích, lại không có trong 6 nhóm mà thành phố quy định nên chưa biết thực hiện đăng ký theo cách nào, không biết qua sở chuyên ngành hay công an? “Chúng tôi hỏi công an thì họ nói gửi sang phường nhưng rất phức tạp. Các sở chuyên ngành như công thương, NN&PTNT mới có thông báo chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể”, bà Vân Anh bày tỏ lo lắng.

Theo bà Vân Anh, hàng hóa được công ty nhập từ nhiều vùng khác nhau; rau ở Sơn Tây (vùng xanh), thịt nhập ở vùng cam (Thường Tín), sau đó lại di chuyển lên giao cho khách ở nhà máy thuộc vùng khác. Nếu chỉ cấp giấy đi đường trong vùng hoặc từ nhà đến cơ quan thì doanh nghiệp không biết phải xoay xở thế nào.

“Ngày 4/9, công ty phải ký cam kết với các doanh nghiệp không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng đến giờ, sau khi gửi hồ sơ đăng ký cho khoảng 20 nhân viên, công ty chưa nhận được thông tin phản hồi. Với tình hình này, công ty phải chấp nhận cho nhân viên sử dụng giấy cũ và chuẩn bị thêm các giấy tờ cho những người ra đường như giấy xét nghiệm, tiêm chủng”, bà Vân Anh nói.

Bà N.T. P (DN chế biến thực phẩm đóng gói H.T) cho biết, dù đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ đi đường nhưng mỗi thôn, xóm lại yêu cầu một loại giấy tờ khiến cho DN luôn bị động. Mới đây, xe tải chở hàng hóa của bà bị xử phạt 2 triệu đồng tại một chốt thôn ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Theo bà P., DN có kho hàng tổng tại đây, bắt buộc phải ra vào để lấy hàng phân phối. Tuy nhiên, do trên luồng xanh được cấp không ghi chi tiết các tuyến đường trong ngõ xóm, do đó lực lượng chức năng tại đây yêu cầu lập biên bản xử lý.

Một lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cho biết, huyện không có chủ trương chặn xe luồng xanh chở hàng hóa thiết yếu. Ngày 6 và 7/9, các giấy phép đi đường cũ vẫn có hiệu lực, các phương tiện luồng xanh được lưu thông bình thường. “Nếu có chuyện làm khó DN luồng xanh, cản trở lưu thông hàng hóa thiết yếu, chúng tôi sẽ kiểm tra xử lý ngay”, lãnh đạo huyện khẳng định.

Cán bộ vất vả, người dân bức xúc

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội triển khai áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn QR code đang có nhiều bất cập. Thứ nhất, việc thay đổi mẫu giấy đi đường không hợp lý về mặt thời gian, không đầy đủ dự lệnh. Cụ thể, Hà Nội gần đây ban hành hiệu lệnh trễ, dẫn đến không thể thực hiện hoặc thực hiện gây ra nhiều bức xúc. Nếu Hà Nội định thay đổi giấy thì phải thông báo sớm, có thể cách đây 1 tuần. Nếu làm như vậy sẽ không có những phản ứng gay gắt hay những lúng túng như hiện nay.

Theo luật sư Đức, việc Hà Nội phân chia thành 6 nhóm đối tượng cấp giấy là phi logic. “Luật sư, cán bộ ngân hàng từ một năm rưỡi nay đang thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nay cũng không biết mình ở nhóm nào, không biết có được đi làm hay không” - luật sư Đức nói.

Đặc biệt, luật sư Đức cho rằng, thành phố Hà Nội cần tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, các cấp chính quyền cơ sở để bảo đảm việc nắm bắt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng yêu cầu, thực chất và hiệu quả. “Cách làm như hiện nay còn thiếu thống nhất, thiếu hợp lý, rất lúng túng, thậm chí là tuỳ tiện. Do đó, cán bộ vất vả, người dân thì bức xúc” - luật sư Đức nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, một mô hình cấp giấy đi đường Hà Nội có thể học tập, đó là Đà Nẵng. Từ 3/9, thành phố Đà Nẵng đã áp dụng cấp giấy đi đường trên hệ thống phần mềm tự động. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường có mã QR code.

Ông Long nhìn nhận, Hà Nội đã xây dựng hệ thống dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; sổ học bạ điện tử... Khai báo y tế cũng qua các ứng dụng như BlueZone, nCovi... nhưng lại xử lý việc khai báo cấp giấy đi đường rất thủ công, tiêu tốn sức lực và không hiệu quả. Ngoài ra, có thể vi phạm 5K khi lực lượng công an phải tiếp xúc với nhiều đối tượng xin giấy đi đường.

Theo Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghệ tầm trung hoàn toàn có thể lập ứng dụng để người dân đăng ký giấy đi đường, dựa trên nền tảng dữ liệu có sẵn trả lời tự động qua App mà không cần phương pháp điền mẫu gửi email thủ công như hiện nay. “Quan trọng là cần có tầm nhìn quản lý tổng thể”, ông Long nói thêm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi tiến hành làm các thủ tục cấp giấy đi đường cơ quan chức năng phải áp dụng tối đa công nghệ. Sự lây lan duy nhất của dịch bệnh COVID-19 là do tiếp xúc gần, vì vậy, muốn chống dịch thành công thì phải giảm thiểu tối đa “tử huyệt” này. Do đó, cần phải thực hiện cấp mã chứ không cấp giấy, kiểm soát bằng phương tiện kỹ thuật chứ không kiểm soát trực tiếp bằng tay hay mắt thường.