Quảng Ninh: Tăng trưởng bứt phá ở khu vực dịch vụ du lịch

Năm 2022 là một năm bứt phá của du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp làm mới sản phẩm, kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh trong năm 2022 phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục trên 10%... thiết lập kỳ tích 7 năm liên tiếp đạt mức 2 con số trong giai đoạn đổi mới. Trong đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là khu vực dịch vụ với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, đóng góp 1/3 tỷ trọng GRDP chung toàn tỉnh.

Khách du lịch háo hức tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Với việc thực hiện thành công chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Quảng Ninh là địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm… được Trung ương lựa chọn phát động ra cả nước.

Tính chung cả năm 2022, tổng doanh thu du lịch Quảng Ninh ước đạt trên 25.100 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm 2021, tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch với lượng du khách thuộc tốp đầu cả nước.

Sự phục hồi bứt phá ngoạn mục của ngành Du lịch - Dịch vụ đưa tốc độ tăng trưởng khu vực này ước tăng 17,34%, chiếm đến 33% tỷ trọng GRDP, là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm nay. Trong đó, cao nhất là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống ước tăng 48,1%, chiếm tỷ trọng 2,9% trong GRDP, đóng góp 1,08% trong tốc độ tăng GRDP. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Quảng Ninh phát triển cả về số lượng và chất lượng, với 1.654 cơ sở lưu trú du lịch và 33.593 phòng đã được xếp loại hạng.

Trên cơ sở dự báo sát tình hình, hàng loạt quyết sách đúng đắn của tỉnh đã được triển khai đồng bộ như: Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phục hồi; sớm ban hành chính sách kích cầu du lịch với một chương trình tổng thể thu hút mạnh mẽ du khách.

Đặc biệt, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn xuyên suốt cả năm như SEA Games 31, Carnaval Hạ Long, chương trình du lịch hè, du lịch thu đông. Trong đó, Quảng Ninh đã khẳng định năng lực tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế như ABAC 3, Đại đội đồng EATOF lần thứ 17…

Du khách trải nghiệm dịch vụ tàu nhà hàng trên Vịnh Hạ Long

Ông Harry Hwang, Giám đốc điều hành Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, Tổ chức Du lịch thế giới nhận định: Bằng các nỗ lực của mình, Quảng Ninh (Việt Nam) đang làm rất tốt việc lan tỏa thông điệp sẵn sàng chào đón du khách đến từ mọi nơi trên thế giới. Các bạn có đầy đủ tiềm năng, lợi thế và đang có đà phục hồi tích cực. Yếu tố kiểm soát dịch bệnh, an toàn chính là điểm cạnh tranh nổi trội của Quảng Ninh với các khu vực khác.

Mọi cơ hội khôi phục ngành công nghiệp không khói được chính quyền và các doanh nghiệp nắm bắt trong tâm thế chủ động sẵn sàng. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch văn minh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm sẵn có. Du khách đến Quảng Ninh có những trải nghiệm khác biệt, mới mẻ với phố đêm du thuyền, trải nghiệm du lịch thu đông khác lạ trên Di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long, Bình Liêu, Yên Tử.

Vẻ đẹp mùa vàng từ dù lượn, một trải nghiệm độc đáo, thú vị khi đến với festival “Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022”. Ảnh CLB Dù lượn Đông Bắc.

Có thể thấy, sau 9 tháng mở cửa trở lại cùng những chính sách kích cầu có hiệu quả của tỉnh, ngành Dịch vụ đã bứt phá tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 2,783 tỷ USD, tăng 8,58% cùng kỳ, đạt 100% kịch bản tăng trưởng. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 3,047 tỷ USD, tăng 9,6% cùng kỳ. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,8%, chiếm 2,1% trong GRDP.

Thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại. Giá trị tăng thêm của khu vực thuế sản phẩm ước tăng 10,05%, chiếm tỷ trọng 13,4% trong GRDP, đóng góp 1,33 điểm % vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.

Năm 2023, tỉnh đã định hướng phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo, khôi phục mạnh mẽ ngành du lịch linh hoạt thích ứng, an toàn với dịch Covid-19. Trong đó, triển khai các đề án phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế.

Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.

Tỉnh cũng định hướng đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa. Khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ để tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao như: Dịch vụ du lịch; dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức; dịch vụ tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử, thương mại biên giới, dịch vụ phân phối; dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo...