Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

Quản trị hiệu quả để vượt mọi khó khăn

TP - Sau gần 2 năm vật lộn với cơn bão kép do dịch COVID-19 gây ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã từng bước vượt qua khó khăn bằng các giải pháp tổng thể. Trong đó nhấn mạnh phương châm quản trị hiệu quả, tăng cường đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo.
Người lao động Petrovietnam duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Tập trung, nỗ lực cho mục tiêu kép

“Trong lúc khó khăn, chúng ta phải càng thực hiện tốt hơn Văn hóa Petrovietnam với phương châm: Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả. Các đơn vị phải đoàn kết hơn nữa, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và rất cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động, sáng tạo, để cùng vượt qua khó khăn, hướng tới hiệu quả chung cho hoạt động của Tập đoàn”.

Chủ tịch HĐQT Pertrovietnam Ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Giữ ổn định, tăng trưởng sản xuất kinh doanh

Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, lan rộng trên cả nước khiến nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp rơi cảnh “điêu đứng”. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng không tránh khỏi khó khăn. Đa số sản phẩm đều rơi vào cảnh tồn kho cao. Như sản phẩm xăng dầu, giãn cách xã hội khiến thị trường tiêu thụ lao dốc. Dù đã chủ động điều tiết công suất cùng giải pháp quyết liệt nhưng mức độ tồn kho của nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn vẫn trên 85%. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét về chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu. Từ đó hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.

Dịch bệnh cũng khiến sản phẩm khí giảm sút, đặc biệt lượng khí huy động cho phát điện giảm mạnh. Sản phẩm phân bón của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau rơi vào tình trạng cung dư hơn cầu do thời điểm mùa vụ đã qua. Tính đến ngày 11/8/2021, tồn kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau là 48,2 nghìn tấn Ure, con số ở Đạm Phú Mỹ là 65,5 nghìn tấn Ure.

Trong bối cảnh khó khăn, với vị thế là doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, Petrovietnam chủ động nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh “quản trị biến động”. Tập đoàn thường xuyên cập nhật dữ liệu, dự báo thị trường, đưa ra kịch bản tối ưu, đảm bảo hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, Petrovietnam tiếp tục xây dựng giải pháp, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc phát triển, củng cố, kiểm soát thị trường, tạo cơ sở phát triển và nắm bắt cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị toàn Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng vắc xin cho người lao động. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể khống chế dịch bệnh, đảm bảo thông suốt hoạt động.

Nhà máy lọc dầu lượng tồn kho cao do tác động của dịch COVID-19 khiến giãn cách xã hội nhiều địa phương

Mong được tháo gỡ vướng mắc

Cùng với giữ ổn định sản xuất kinh doanh, Petrovietnam chủ động rà soát vướng mắc quy định của pháp luật ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Từ đó, kịp thời có đề xuất, kiến nghị tháo gỡ. Hiện nay có khoảng 60 nội dung, vấn đề về quy định pháp luật cần được xem xét và kiến nghị sửa đổi tạo điều kiện đảm bảo cho sự phát triển của Petrovietnam nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Cơ bản quy định trong các văn bản Luật hiện nay cần được tháo gỡ do nguyên nhân chồng chéo và mâu thuẫn giữa các Luật, nghị định như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu...

Ví dụ theo quy định của Luật Đấu thầu, Petrovietnam sẽ gặp khó trong việc triển khai dự án đầu tư, đặc biệt dự án hợp tác với đối tác nước ngoài. Từ đó dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm trễ, khó khăn trong triển khai, có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế.

Do đặc thù của ngành dầu khí, nhiều vấn đề, vướng mắc mà Petrovietnam gặp phải trong quá trình triển khai các hoạt động lại chưa có quy định trong các luật hiện hành hoặc quy định không đầy đủ, hoặc quy định không phù hợp. Có thể kể đến như quy định chưa rõ ràng đối với trường hợp các dự án nhóm A đã có trong quy hoạch có cần lập hay không cần lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với từng dự án thành phần. Việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ kéo dài thời gian và chi phí vì thông tin cơ bản trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được xem xét khi đưa Dự án vào quy hoạch. Chính việc kéo dài thời gian đã ảnh hưởng đến chuỗi dự án triển khai sau này, chậm tiến độ từng dự án cũng như cả chuỗi đầu tư.

“Ngay lúc này, cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí cũng có thể tự tin, tự hào báo cáo với Đảng, Nhà nước, với nhân dân và các thế hệ tiền bối ngành Dầu khí, rằng Petrovietnam đã kiên định vững vàng trước thách thức của đại dịch COVID-19 và biến động thị trường. Trên tất cả giàn khoan, dự án, công trường, cơ sở hoạt động dầu khí, cán bộ, người lao động dầu khí chủ động tiên phong thực hiện chiến lược vắc xin + 5K, cùng nhiều biện pháp sáng tạo, quyết liệt duy trì trạng thái hoạt động bình thường, an toàn, ổn định; đóng góp cao cho ngân sách Nhà nước và góp phần giữ gìn an ninh quốc gia trên biển”.

Ông Hoàng Quốc Vượng Bí thư Đảng ủy -

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam

Ông Hoàng Quốc Vượng

Song song với rà soát lại các vướng mắc trong các quy định của pháp luật, Petrovietnam cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

Các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho người lao động

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, những vướng mắc này đang ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn tài nguyên dầu khí đang suy giảm, điều kiện để triển khai các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) càng khó khăn hơn khi phải thực hiện ở các vùng nước sâu xa bờ. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách cho hoạt động E&P cùng như các hoạt động đầu tư các dự án mới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn. Ngoài ra, các vấn đề trong triển khai các lĩnh vực hoạt động khác của Tập đoàn nếu như không được giải quyết kịp thời, Petrovietnam sẽ không có điều kiện và cơ sở để tiếp tục phát triển theo chiến lược đề ra, tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia.