Dưới sự chủ trì của Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1371, hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1371, cùng các đại biểu tại điểm cầu Bộ Quốc phòng và các điểm cầu trong toàn quân.
Theo Bộ Quốc phòng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, các đơn vị Quân đội đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 1371, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 1 của Đề án đã đề ra.
Việc triển khai Đề án đã giúp xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ đó, các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép, tình trạng di cư tự do và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm.
Ý thức quốc gia, quốc giới, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Qua đó, mối quan hệ quân - dân cũng ngày càng gắn bó mật thiết; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã tổ chức biên tập, phát hành 18.000 cuốn tài liệu các văn bản về “Quán triệt, triển khai thực hiện Đề án”; phối hợp với Bộ Tư pháp biên tập, in phát hành 85.000 cuốn tài liệu 15 chuyên đề về “Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân”.
Đến nay, 80.000 cuốn sách hỏi - đáp pháp luật; 650.000 tờ gấp pháp luật về nội dung Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng được ban hành.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng phối hợp biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện Đề án 1371 là 68.000 cuốn; 180.000 tờ gấp pháp luật; mua 100 đầu sách pháp luật cấp cho một số địa phương, địa bàn trọng điểm làm tài liệu tuyên truyền…
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; hoàn thành mục tiêu của Đề án trong việc tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thượng tướng Võ Minh Lương lưu ý các cơ quan, đơn vị tiếp tục tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật; gắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật với các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua.
Các cơ quan, đơn vị cần chủ động, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm khoa học, khả thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.