Qua một đêm, hơn 17.000 người 'thoát' cách ly y tế, dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan rộng

TPO - Thông tin cập nhật chiều 11/8 từ Bộ Y tế cho biết, hiện tại số người cách ly là 165.983 người, giảm hơn 17.000 so với ngày hôm qua. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 389 ca. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng.
Ảnh minh họa: Internet

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 155/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 847 ca mắc COVID-19; 15 ca tử vong

Trong đó số ca điều trị khỏi là 399 ca, có tổng cộng 318 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Số ca bình phục trong 24h qua: 4 ca

Số ca tử vong trong 24h qua: 4 ca

Số người cách ly: 165.983

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.628

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 27.472

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 132.883

Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 318 ca

Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 389 ca

Về công tác điều trị, trong 24h qua có 4 bệnh nhân COVID-19 đầu tiên điều trị tại Đà Nẵng khỏi bệnh, nâng số ca khỏi tại nước ta đến nay lên 399 ca.

Đến nay, theo kết quả xét nghiệm mới nhất, tại BV Tư Huế đã có 2 bệnh nhân âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Tại Đà Nẵng, có 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại TTYT Hòa Vang có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, đã lấy mẫu xét nghiệm đối với 13 bệnh nhân đang điều trị; trong đó có 6 bệnh nhân âm tính lần 1, 5 bệnh nhân âm tính lần 2 và 2 bệnh nhân âm tính lần thứ 3 với chủng virus SARS-CoV-2.

Trên thế giới, đã có vượt 20 triệu ca mắc COVID-19 và với hơn 733 nghìn người tử vong vì dịch bệnh. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 5,2 triệu người mắc bệnh và hơn 165 nghìn người tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán đến ngày 22/8, hơn 173.000 người Mỹ sẽ tử vong vì COVID-19.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Indonesia, trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực.

- Tại Việt Nam, trong 24h qua, Việt Nam ghi nhận thêm 6 trường hợp dương tính với COVID-19, có thêm 4 ca tử vong vì các bệnh lý nền nặng và mắc COVID-19.

- Cập nhật đến ngày 10/8, Bộ Y tế cho biết đã có 70 đơn vị được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.

- Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1053/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án tổ chức vận tải phù hợp, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 02/9 và khai giảng năm học mới;

Thực hiện nghiêm, hiệu quả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 gắn với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe khách, xe tải nặng, xe container vào ban đêm...

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, nếu tiếp tục các biện pháp phòng dịch đã quán triệt từ trước, nhất là được siết lại trong thời gian gần đây, thì chúng ta có lòng tin sẽ không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

Không chỉ riêng thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, mà hệ thống chống dịch, nòng cốt là lực lượng y tế, công an ở tất cả các địa phương đã được khởi động trở lại rất nghiêm túc, tinh thần luôn sẵn sàng chống dịch phải được duy trì liên tục, không để lơi lỏng sau một thời gian.

Để đẩy nhanh công suất xét nghiệm sàng lọc COVID-19, Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh- Phó Trưởng Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19, F0 mất dấu, nguy cơ dịch lây lan rộng, trong khi nguồn lực xét nghiệm còn hạn chế Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã sớm đề xuất trình lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) để xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2.

"Việc gộp mẫu giúp tiếp kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong. Đây cũng là phương thức được nhiều nước áp dụng trong đó có CDC Hoa Kỳ"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.