Qua học nghề giúp lao động nông thôn thoát nghèo

Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức Hội nghị giao ban về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên năm 2019, sơ kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2010 – 2019) và hoạt động của trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp. Hội nghị diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh 3 chủ đề chính: Đào tạo trình độ sơ cấp; Đào tạo thường xuyên và Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, đa số các đại biểu đều chú trọng quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đa số người học nghề thuộc hộ nghèo

Theo Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, hết tháng 9/2019, đã có trên 9,2 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956.

Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

 

Các địa phương thống kê có gần 350.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm đã thoát nghèo, chiếm 61,5% số người nghèo tham gia học nghề; gần 300 ngàn hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, thu nhập cao hơn mức thu nhập bình quân tại địa phương và trở thành hộ có thu nhập khá; gần 200 ngàn người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện mỗi làng một sản phẩm và tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần làm thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, nguồn kinh phí trung ương bố trí cho thực hiện Đề án chưa đạt như kế hoạch; kết quả, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước; hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm cấp huyện chưa được quan tâm và hiệu quả chưa cao; danh mục nghề đào tạo còn dàn trải; một số địa phương chưa xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo, chuẩn đầu ra cho các nghề được đào tạo...

Lo nguồn kinh phí

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh cho biết, với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, địa phương này còn gặp một số vướng mắc. Trong đó, vướng mắc, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu kinh phí, dẫn tới thiếu vơ sở vật chất để đào tạo hiệu quả cho người lao động. Giải pháp để khắc phục khó khăn này, Trà Vinh đã vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng hỗ trợ mới có kinh phí để triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ông Nguyễn Duy Tuyên từ Sở LĐ-TB&XH Long An chia sẻ, theo quy định, sau đào tạo nghề nông thôn phải trên 80% có việc làm, nhưng nhiều địa phưng chủ yếu nông nghiệp, nên mục tiêu này thực hiện không dễ. Ngoài ra, địa phương này cũng gặp khó khăn về kinh phí, một số nghề có nhiều người học nhưng không đủ kinh phí để đào tạo, đến khi có kinh phí thì người học lại không muốn theo học nữa.

 

Để đạt được mục tiêu đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn từ năm 2021-2025, đa số các đại biểu đều cho rằng các địa phương cần xây dựng, phê duyệt mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện lồng ghép, huy động có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương của Đề án để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, thời gian tới cần sựa liên kết, chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa giữa Tổng cục và các địa phương. Để qua chương trình đạt được mục tiêu tăng thu nhập cho người nông dân. Do đó, giai đoạn tới cần tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp, các khu công nghiệp, làng nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, đào tạo nghề phát triển hợp tác xã...