Qua con mắt ông bầu, cầu thủ và HLV chỉ là những 'con tốt thí'

Đáng lẽ, như mọi nền bóng đá trên thế giới, các HLV và cầu thủ mới là những người đóng vai chính ở giải đấu mà họ tham gia. Thế nên phải dùng từ “những con tốt” để mô tả về giới quần đùi áo số Việt Nam bây giờ, khi số phận của họ hoàn toàn nằm trong tay các ông bầu.

Qua con mắt ông bầu, cầu thủ và HLV chỉ là những 'con tốt thí'

> V-League 2013: Cuộc chiến của các ông 'bầu' còn sót lại
> Kinh tế khó khăn, ‘ngoại binh’ ra đường

Đáng lẽ, như mọi nền bóng đá trên thế giới, các HLV và cầu thủ mới là những người đóng vai chính ở giải đấu mà họ tham gia. Thế nên phải dùng từ “những con tốt” để mô tả về giới quần đùi áo số Việt Nam bây giờ, khi số phận của họ hoàn toàn nằm trong tay các ông bầu.

Số phận của Quang Hải, HLV Phạm Công Lộc rồi sẽ đi về đâu?.

"Tấm bi kịch" của tuyển thủ quốc gia

13 bàn thắng kèm danh hiệu không chính thức “Vua phá lưới nội” ở V.League 2010 đã mang đến cho tiền đạo người Khánh Hòa cơ hội đổi đời. Vụ chuyển nhượng của Quang Hải về Navibank Sài Gòn với mức phí lót tay 9 tỷ đồng/3 mùa, 55 triệu tiền lương mỗi tháng chưa tính thưởng khiến anh đã có lúc xác lập một cột mốc mới về giá trị của một cầu thủ nội.

Khoản tiền khổng lồ ấy đã giúp Hải làm được rất nhiều việc, từ xây cho gia đình một căn biệt thự lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi, đến giúp đỡ người thân có cuộc sống an nhàn hơn từ những khoản tiền đều đặn chuyển về hàng tháng.

Thời điểm “hoàng kim” đó cũng là lúc đội bóng tiếp nhận Quang Hải, Navibank Sài Gòn nổi lên như một thế lực của làng bóng đá Việt. Không chỉ vung tiền như lá cây để chiêu mộ cầu thủ, chế độ đãi ngộ và sinh hoạt ở “thiếu gia Sài thành” này cũng là chuyện xưa nay hiếm thấy.

Các cầu thủ Navibank Sài Gòn kể lại, hồi giới chủ ngân hàng Nam Việt mới nhảy vào làm bóng đá, họ chỉ quen ăn ở tại các khách sạn 4, 5 sao hay các khu resort mỗi lần đi đá sân khách. Nếu cầu thủ nào bị chấn thương, một cái gật đầu của bầu Thọ là được sang Singapore khám chữa.

Điều kiện như thế nên không ai bảo ai, cầu thủ nào cũng hướng về Navibank Sài Gòn với ánh mắt thèm khát. Hậu vệ từng khoác áo ĐTVN, Việt Cường sướng như vua ở Hoàng Anh Gia Lai nhưng vì còn muốn sướng hơn nữa nên đầu mùa giải 2012 cũng tìm về đội bóng Sài Gòn.

Nhưng chừng một năm qua, khó khăn kinh tế đã khiến Navibank Sài Gòn đánh mất rất nhiều dáng vẻ của một “công tử Bạc Liêu”. Thay thế cho những khách sạn 4, 5 sao là những khu nhà nghỉ khiêm tốn hơn nhiều về chất lượng và giá cả. Song song là khoản tiền thưởng 10 trận bất bại tại V.League 2012 cho đến giờ vẫn chưa được thanh toán, còn tiền lương thì đã khất đến 3, 4 tháng nay.

Navibank Sài Gòn cuối cùng đã được rao bán sau những ngày tháng ông chủ tịch Nguyễn Vĩnh Thọ biệt tăm, còn Quang Hải từ địa vị tỷ phú mới đây cũng phải lên tiếng than thở: “Tôi không còn đủ tiền nuôi vợ con. Vợ tôi lại sắp sinh thêm cháu nữa và tôi cũng không biết phải lo toan bằng cách nào”.

Nhưng đó có thể mới chỉ là một nửa tấn bi kịch mà Quang Hải phải đối diện trong thời gian trước mắt. Dù mang danh nghĩa là tuyển thủ quốc gia nhưng đến thời điểm này tiền đạo gốc Khánh Hòa vẫn chưa biết mùa tới sẽ đá cho đội nào.

Ban lãnh đạo cũ chưa một lần gặp gỡ hay thông báo về quyết định của họ, còn ban lãnh đạo mới lấy xong cái suất V.League đẩy về Hà Tĩnh có vẻ đang bận tận hưởng cảm giác hứng chí.

Thời mạt, tướng cũng bị thí

Dẫu sao trường hợp của Quang Hải vẫn còn may mắn, bởi rất nhiều thành viên khác của Navibank Sài Gòn lúc này bị đẩy vào tình thế khó khăn hơn nhiều.

Những năm tháng lựa cơm gắp mắm, lèo lái tài tình đội bóng Đồng Tháp trụ vững ở V.League đã làm nên thương hiệu và chỗ đứng vững chắc của HLV Phạm Công Lộc ở xứ bưng biền. Nhưng những lời thủ thỉ của bầu Thọ, sức cám dỗ từ một môi trường bóng đá mới có chế độ đãi ngộ tốt hơn và tham vọng cao hơn đã khiến ông Lộc “cá lóc” rời quê hương ra thành thị.

Cuộc ra đi vỏn vẹn chưa đầy một năm ấy cuối cùng đã kết thúc quá ê chề. Không thông báo, không liên lạc, chỉ cần một cái phẩy tay của lãnh đạo đội bóng, giờ thì HLV Phạm Công Lộc cũng đang “đứng đường” như rất nhiều học trò của ông.

Khó khăn kinh tế không thể là lý do đủ thuyết phục để bao biện cho những cách cư xử kiểu như vừa nhắc, bởi ngay cả ở những đội bóng thích phô trương về tiền bạc hoặc ít khó khăn hơn, HLV và cầu thủ cũng có thể bị “chém” bất kỳ lúc nào.

Với thương vụ mua lại Navibank Sài Gòn, bầu Thụy cùng Sài Gòn Xuân Thành tiếp tục chứng minh họ vẫn đủ tiền để “chơi ngông” ở V.League. Nhưng cũng chính ông bầu ấy, đội bóng ấy từng sa thải HLV Lư Đình Tuấn chỉ bằng một tin nhắn điện thoại, còn hàng tá cầu thủ mà người ta chưa kịp nhớ hết tên đến dễ dàng rồi ra đi nhanh chóng khỏi SG.XT.

Có vẻ như các ông chủ đội bóng giờ đều được lập trình bằng suy nghĩ vì tôi đã móc ví đầu tư nên tôi có quyền định đoạt mọi chuyện. 500 triệu Việt Thắng bấm bụng bỏ ra đền cho Thanh Hóa để được lên Tuyển là sự việc quá vô lý bởi án kỷ luật ở cấp CLB với việc tập trung ĐTQG là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau, nhưng Thắng không có sự lựa chọn trước thái độ “sẵn sàng chơi đến cùng” của bầu Đệ.

Cả một thế hệ cầu thủ Thể Công không được đếm xỉa đến nguyện vọng bằng cái cơ chế của chủ nghĩa mệnh lệnh, buộc phải chuyển về Thanh Hóa cuối năm 2009, xong và chấm hết. Nó cũng tương tự như chuyện vào một ngày đẹp trời, các cầu thủ Quân khu 4 hầu hết có gốc gác ở Nghệ An được lệnh chuyển vào TP.HCM, rồi một năm sau phần lớn trong số họ phải tự đi tìm việc.

Thực tế đang diễn ra, HLV là thành tố rẻ nhất khi người ta tiến hành xây dựng một đội bóng, cầu thủ là hoa, lá, cành. Họ sẽ không thể tự mình bước ra khỏi bi kịch ấy chừng nào các CLB còn bị đối xử như con cá, mớ rau trong những toan tính của các ông bầu.

Theo Minh Hoàng
Bóng đá & cuộc sống

Theo Đăng lại