Tính đến 6h hôm nay (14/02), Việt Nam có tổng cộng 1.297 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 604 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 152.690 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.531 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 39 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 12 ca; số ca âm tính lần 3 là 9 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.
Do đó, theo Bộ Y tế khi phát hiện các địa phương trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.
Tại TPHCM đến thời điểm hiện tại, chuỗi lây nhiễm ở sân bay đã ghi nhận tổng cộng 35 bệnh nhân.
Chuỗi lây nhiễm này đã được cơ bản kiểm soát. Thành phố tiếp tục các biện pháp để cắt đứt hoàn toàn chuỗi lây nhiễm bên cạnh việc tiến hành hoạt động tầm soát rộng ở cộng đồng để đánh gia nguy cơ dịch bệnh.
TP.HCM đã tiến hành điều tra, truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân. Đã truy vết được 1.746 trường hợp tiếp xúc gần, chuyển cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả 1.676 trường hợp âm tính, phát hiện 3 trường hợp dương tính (đã bao gồm trong 35 bệnh nhân nằm trong chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhân viên sân bay), 67 đang đợi kết quả xét nghiệm. 3.477 trường hơp F2, cách ly tại nhà trong đó 2.585 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, 892 trường hợp đang đợi kết quả.
Mở rộng xét nghiệm giám sát các trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm này, đã lấy 9.139 mẫu xét nghiệm trong đó 6.871 mẫu có kết quả âm tính, 2.268 mẫu đang đợi kết quả xét nghiệm.
Hoạt động mở rộng giám sát các nhóm đối tượng nguy cơ: Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm giám sát cho 8.130 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất giúp phát hiện ra ca chỉ điểm là BN1797 và sau đó là 6 trường hợp nhiễm nằm trong nhóm bốc xếp, giám sát hàng hoá tại sân bay. Tiếp tục thực hiện xét nghiệm lần 2 cho tất cả 1.622 nhân viên công ty VIAGS và phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm.
Bộ Y tế yêu cầu TPHCM tiếp tục thực hiện khẩn việc mở rộng lấy mẫu xét nghiệm giám sát các nhóm nguy cơ cao ở cộng đồng bắt đầu từ tối ngày 11/02 (30 Tết) và kết thúc trước ngày 14/02 (mùng 3 Tết). Hiện nay đã thực hiện lấy tổng cộng 3.672 mẫu từ các nhà trọ, nơi lưu trú công nhân, bến xe, chợ trên địa bàn 24 Quận huyện, đang tiến hành xét nghiệm các mẫu đã thu thập.
Tiếp tục lấy mẫu lần 5 cho toàn bộ nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất vì đây là nhóm nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19: thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đi làm, nếu kết quả âm tính mới được đến sân bay làm việc vào ngày hôm sau; rà soát, xét nghiệm nhân viên y tế còn sót của các bệnh viện có liên quan ca bệnh.
Thế giới giảm số ca mắc mới COVID-19
Theo Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, thế giới hiện ghi nhận 108.778.502 ca và 2.395.405 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay tổng số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 80.952.660 và còn 25.430.437 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 99.342 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc mới ghi nhận đã giảm 44,5%, mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Hiện nay, Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 28.106.704 trường hợp mắc và 492.521 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 10.892.550 ca nhiễm (155.588 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 237.601 trường hợp tử vong trong số 9.765.694 ca nhiễm.
Tại châu Âu, tại Pháp có số ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh chiếm 25% tổng số ca nhiễm mới tại Pháp, trong khi đó số ca dương tính với biến thể tại Nam Phi và Brazil chỉ chiếm 4% đến 5%; nước này hiện đang cân nhắc khả năng siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong vài tuần tới. Trong khi đó tại Đức, từ ngày 14/2, sẽ cấm nhập cảnh từ các vùng biên giới với Séc và Tyrol (Áo) do số ca nhiễm mới liên quan biến thể mới của SARS-CoV-2 gia tăng tại các vùng dịch này. Tại Anh cũng sẽ áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới mới cho đến khi toàn bộ người cao tuổi ở nước này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Khu vực Châu Á, đứng sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.572.190 trường hợp mắc (27.284 trường hợp tử vong). Đứng thứ ba khu vực là Iran với 58.809 ca tử vong trong số 1.503.753 trường hợp mắc. Ngày 12/2, Nhật Bản thông báo chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các vùng lân cận do số ca tử vong ghi nhận những ngày qua hiện còn ở mức cao, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng không còn đủ giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nặng.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.201.859 trường hợp mắc (32.656 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Philippines với tổng số 547.255 ca nhiễm (11.507 trường hợp tử vong). Đứng thứ ba khu vực là Malaysia với 958 trường hợp tử vong trong só 261.805 ca mắc.