PV VTV và chuyến tác nghiệp 72 giờ ám ảnh tại điểm lũ quét Sơn La

Dù có kinh nghiệm tác nghiệp tại nhiều hiện trường bão lũ nhưng chuyến công tác Sơn La trong thời điểm lũ quét vừa qua vẫn khiến phóng viên Liên Liên ám ảnh khôn nguôi.
Liên Liên từng có kinh nghiệm tác nghiệp ở nhiều vùng lũ nhưng cô vẫn dùng hai từ "khủng khiếp" để nói về chuyến công tác tại Sơn La

Cùng với 3 người đồng nghiệp khác, phóng viên Liên Liên của Ban Thời sự, Đài THVN đã có mặt tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La để ghi nhận hiện trường sau cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua. Trong 3 ngày tác nghiệp dọc theo con suối Nậm Păm, nơi được coi là "rốn lũ" tại Sơn La, cô và các đồng nghiệp đã có cơ hội được chứng kiến những hình ảnh mà cho tới thời điểm này khi nhớ lại, cô chỉ có thể dùng hai từ "khủng khiếp" để hình dung.

"Chỉ có thể dùng từ khủng khiếp để nói về cơn lũ quét tại các tỉnh khu vực phía Bắc vừa qua" - Liên Liên kể lại - "Nếu ở phía dưới, các đoàn tác nghiệp tới hiện trường chỉ thấy những thứ từ trên bị quét xuống bởi cơn lũ thì ở phía trên, mọi thứ biến mất sạch. Trong hành trình di chuyển, mọi người nói với nhau, có khi mình đang đi trên xác người mà không biết vì còn rất nhiều người mất tích chưa được tìm thấy. Và chỉ trước đó 15 phút, họ cũng vừa đào được một xác nạn nhân trên đoạn đường chúng tôi đi qua".

"Đi qua bão lũ nhiều, từng chứng kiến sự chết chóc nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó khủng khiếp thế. Cơn lũ qua quét sạch mọi thứ" - Liên Liên nói tiếp - "Hình ảnh ám ảnh tôi nhất là một người đàn ông bị mất vợ và hai người con trong cơn lũ. Tôi đã chứng kiến người đàn ông ấy ngồi trong một chiếc lều tạm, chẳng còn gì cả ngoài bát hương thắp cho vợ con. Chứng kiến một người đàn ông vốn được coi là phái mạnh nói rằng chỉ muốn chết sau khi trải qua nỗi đau mất mát người thân quá lớn, thật không thể tưởng tượng được".

Tác nghiệp trên một địa bàn có địa hình phức tạp, người dân sống rải rác, cộng thêm với mưa lớn nên ê-kíp gặp không ít khó khăn để tiếp cận. Phóng viên Liên Liên cho biết, toàn xã Nậm Păm có 11 bản nhưng có tới 8 bản bị quét sạch. Để tới được những khu vực này, cách duy nhất là đi bộ, thậm chí có những lúc phải đi bộ cả ngày.

"Phải sang ngày thứ 2 của chuyến công tác, chúng tôi mới tiếp cận được những bản sâu bên trong. Quá trình đi vô cùng khó khăn vì mưa, đoàn phải đi bộ hoàn toàn. Chuyện đi bộ 4 – 5 tiếng rồi vừa đi vừa tác nghiệp, xong việc lại đi bộ trở về cứ kéo dài cả ngày như vậy. Dù đoàn đi cùng lực lượng chuyên nghiệp gồm có bộ đội và công an nhưng ngay cả bản thân họ cũng thấy vất vả nữa là mình".

Với Liên Liên, đây là chuyến tác nghiệp về bão lũ ấn tượng nhất trong sự nghiệp làm báo của cô tới thời điểm này. 

"Chỉ dựa vào số liệu thống kê về số người chết và mất tích đã cho thấy hậu quả nặng nề của cơn lũ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến nó đến và để lại hậu quả như thế nào mới thấy nó thật khủng khiếp, chỉ thấy cảnh tan hoang" - Liên Liên cho biết - "Tôi có gặp một số người dân trên đường đi, họ chỉ còn đúng manh áo trên người, chẳng còn gì cả. Lũ về, họ cũng chỉ kịp bám vào bất cứ thứ gì để thoát thân thôi. Tuy nhiên, khi nói chuyện, họ bảo rằng giữ được mạng đã là may mắn lắm vì còn có những người đã mất mạng".

"Thực ra, tôi đi tác nghiệp về bão lũ nhiều lần rồi, cũng có bản lĩnh nhất định nên không quá lo lắng. Trước khi tới địa bàn, tôi nghĩ cũng không đến nỗi lắm nhưng khi trực tiếp đến nơi thì khác".

"Sau khi vào bản, cả đoàn phải đi qua một con suối để trở ra. Dù đã có 3 – 4 người đỡ, nhất là trong đó lại gồm cả lực lượng bộ đội chuyên nghiệp, mình không bao giờ nghĩ rằng mình không an toàn, song khi người phía sau vừa thả tay ra, dòng nước xiết đã cuốn mình luôn. Càng về sau, nước càng mạnh, một số thành viên trong đoàn cũng nhận định không thể xuống núi được. Trong trường hợp này, đoàn ở lại cũng gặp khó khăn khi không có điện, nước hay đồ ăn", Liên Liên kể lại kỷ niệm nguy hiểm nhất trong chuyến tác nghiệp.

Khung cảnh hoang tàn sau khi cơn lũ đi qua

"Về sau dòng nước giảm, đoàn phải gọi cứu trợ từ phía dưới lên. Một con đường khác được mở nhưng nó rất dốc. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đi qua đó quá nguy hiểm" - cô nói tiếp - "Cuối cùng, với sự giúp đỡ của lực lượng bộ đội, tôi cũng xuống dưới được. Nhưng khi tới nơi, tôi chứng kiến có anh trong đoàn đang ngồi bóp chân vì không đi nổi nữa".

Với những phóng viên nam, việc tác nghiệp tại hiện trường bão lũ đã vất vả nhưng với một phóng viên nữ, điều đó càng khó khăn hơn. Theo lời phóng viên Liên Liên, ngoài cô là nữ, ba thành viên còn lại trong đoàn đều là nam. Tuy nhiên, vì quá trình tác nghiệp vất vả nên có một người đã bị dãn dây chằng, một người trên đường quay trở về thì không thể đi nổi mà nghỉ tại chỗ luôn. Với riêng Liên Liên, nhiều khi cô cũng muốn bỏ cuộc vì quá mệt.

"Trong thiên tai bão lũ, điều đầu tiên cần là sức khỏe. Khi có điều đó, mình mới cố gắng, có động lực để tiếp tục. Với một phóng viên nữ, không phải ai cũng có thể theo đuổi mảng đề tài này" - Liên Liên tâm sự - "Trong quá trình đi, cũng có khi tôi muốn bỏ cuộc vì mệt. Nhưng chứng kiến cảnh người dân đang nhặt gỗ do lũ cuốn, ánh mắt họ nhìn đoàn khiến tôi thấy việc mình đi bộ như thế này chưa là gì cả. Nghỉ một lúc mọi người lại động viên nhau - Cố lên! sắp tới nơi rồi!. Cũng chẳng biết nói nhau bao nhiêu lần câu ấy thì cũng tới nơi".

Vất vả và khó khăn là vậy, nhưng có vẻ như những điều đó không làm chùn bước nữ phóng viên này. Cô khẳng định dù tương lai có thể sẽ còn tác nghiệp ở những địa điểm nguy hiểm hơn nhưng cô vẫn tiếp tục theo đuổi công việc này. Bởi điều quan trọng nhất mà nghề báo mang tới cho Liên Liên là sự trải nghiệm.

Hiện tại, Liên Liên đang ấp ủ thực hiện những loạt bài điều tra mới. Cô cho biết đã theo đuổi mảng đề tài này một thời gian khá dài và hy vọng những tác phẩm của mình có thể tác động tới xã hội.

"Chưa bật mí nhiều được nhưng tôi nghĩ nhiều khán giả quan tâm tới mảng đề tài này", cô cười nói.

Theo Theo VTV