Phương Uyên tiết lộ lý do từ bỏ giám đốc âm nhạc The Voice Kids

Chị cả nhóm Ba Con Mèo vừa có những chia sẻ mới nhất về vai trò giám khảo của Đồ Rê Mí và lý do khiến chị từ bỏ vị trí giám đốc âm nhạc của The Voice Kids.

Năm đầu tiên đến với Đồ Rê Mí trong vai trò ban giám khảo, chị cảm thấy như thế nào?

Chương trình này có lẽ là chương trình đơn giản nhất mà tôi từng làm nhưng lại khiến tôi cảm thấy áp lực và bối rối nhất. Tiếp xúc với các thí sinh quá nhỏ, tôi không biết phải làm thế nào. Tôi giữ vai trò nhận định về chuyên môn nhưng vẫn phải gần gũi với các bé. Đối với lứa tuổi 4-8 tuổi, đó là một vấn đề. Bởi các bé thấy khó là tránh liền nên mình phải dễ, dễ nhưng vẫn đảm bảo được vị trí ban giám khảo. Tôi đang phải suy nghĩ làm thế nào để dung hoà được cả hai.

Ngoài ra, tôi còn cảm thấy áp lực vì mọi người đều trông chờ sự có mặt của tôi sẽ khiến chương trình đổi khác như thế nào nhưng tôi là một giám khảo, không phải giám đốc âm nhạc nên không thể mang tới những điều mới mẻ. Việc làm mới các tác phẩm âm nhạc là do giám đốc âm nhạc, còn tôi chỉ có thể góp ý thôi.

Sau khi tiếp xúc với top 12, chị đã có những thay đổi gì để dung hoà được hai yếu tố: gần gũi với các bé và đảm bảo vai trò nhận định chuyên môn như đã nói?

Mới đầu tôi không nghĩ tới việc này, chỉ nghĩ đơn giản là đi chấm thi thôi. Làm giám khảo đơn giản hơn làm giám đốc âm nhạc, bởi giám đốc âm nhạc phải hiểu từng giọng ca, phải làm sao để các bé thăng hoa, toả sáng. Nhưng ngày hôm qua, sau khi tiếp xúc với các bé, cảm xúc hoàn toàn thay đổi, không dễ như mình nghĩ, thậm chí là quá khó.

Tôi nghĩ, điều gì cũng vậy, hãy cứ là mình là tốt nhất. Sự tự nhiên làm cho mọi thứ gần nhau hơn. Phương Uyên cứ là Phương Uyên và các bé cứ là các bé thôi, không cần phải làm gì cả. Tôi cũng có rất nhiều cháu và con nuôi, tất cả đều yêu quý tôi. Cần có thời gian để hiểu, tôi khó tính nhưng vì thương nên khó tính. Còn mới tiếp xúc với các con một ngày mà mong các con hiểu được mình, đó là điều rất khó.

Phương Uyên là chủ nhân của chiếc ghế nóng thứ 4 trong chương trình Đồ Rê Mí 2014.

Qua quá trình tiếp xúc với top 12, chị thấy chất lượng của các thí sinh nhí Đồ Rê Mí năm nay thế nào?

Tôi mới tiếp xúc với các bé chứ chưa nghe các bé hát. Từ 4-8 tuổi, giọng ca chưa có nét đặc trưng riêng, sẽ như nhau hết. Các bé hơn nhau ở điểm có biết nhịp hay không. Đến khoảng chừng 9 tuổi trở lên mới có thể tạo được nét đặc trưng riêng của giọng và khi trưởng thành, mới có cách tư duy riêng làm sao để xử lý bài. Với các bé Đồ Rê Mí, chỉ xem bé nào dễ thương hơn, bé nào hát đúng nhịp, đúng cao độ, vậy thôi.

Như thế, dễ thương, đúng nhịp và đúng cao độ sẽ là tiêu chí chấm thi năm nay của chị?

Có thể bây giờ tôi nghĩ là như vậy, nguyên tắc là như vậy nhưng khi các bé lên sân khấu, tôi có thể sẽ phát hiện được tiềm năng của các bé. Giống như chị Thanh Lam được phát hiện lúc 4-5 tuổi vậy. Ở độ tuổi đó, chị đã có thể hát “Bão nổi lên rồi từ miền Nam…” (Ca khúc Bão nổi lên rồi). Làm thế nào mà một đứa trẻ có thể thuộc bài hát như vậy là một vấn đề. Đó gọi là năng khiếu. Cách tuyển sinh của mỗi người mỗi khác nhau. Tôi là người từng tuyển sinh cho Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí. Tôi có cách làm của riêng mình.

Tuyển sinh các thí sinh nhí không hề đơn giản. Khi làm với người lớn, có thể họ hát xong ba câu, tôi sẽ nói: “Thôi được rồi, cám ơn bạn” hoặc “Ok, bạn được chọn” nhưng với con nít đâu có được nói vậy. “Con ơi, con hát thì rất là hay nhưng mà…” phải giải thích từ từ, nhẹ nhàng cho nó hiểu song rồi nó khóc “Con muốn hát lại”, mình lại “Ờ, thôi con hát lại đi”. Phải rất kiên nhẫn, cho dù khi tuyển sinh có cả hàng trăm, hàng nghìn bé. Đó là lứa tuổi 9 -14 của Giọng hát Việt nhí, còn với 4-8 tuổi như Đồ Rê Mí, tôi thực sự không biết khi các bé khóc mình phải làm như thế nào.

"Tôi đánh giá cao về gu âm nhạc của Lưu Thiên Hương nhưng cô ấy chưa có nhiều kinh nghiệm về việc dựng bài".

Lý do gì khiến chị từ bỏ vị trí giám đốc âm nhạc cho chương trình The Voice Kids để chuyển sang vai trò chủ nhân ghế nóng của Đồ Rê Mí?

Trước hết là vì yêu thích Đồ Rê Mí - một chương trình có format của Việt Nam. Tôi vẫn là giám đốc âm nhạc của Cát Tiên Sa. Nhưng vì chương trình Nhân tố bí ẩn chạy song song với Giọng hát Việt nhí nên tôi có nhờ Lưu Thiên Hương đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho chương trình này. Đến vòng đối đầu của Giọng hát Việt nhí, tôi có cố vấn và dựng bài cho đội Cẩm Ly.

Vai trò giám đốc âm nhạc trong Nhân tố bí ẩn rất lớn, hầu như tôi phải dựng bài từ đầu đến vòng live. Không giống như giọng hát Việt, cái cực của mình chủ yếu ở vòng giấu mặt, đến đối đầu thì do huấn luyện viên của mỗi đội. Một mình tôi làm quá nhiều. Đến Giọng hát Việt nhí lại có cả trăm em nữa, tôi sợ mình làm không xuể.

Ngoài Lưu Thiên Hương, tôi có nêu cho bên Cát Tiên Sa mấy cái tên như Hồ Hoài Anh và Nguyễn Hải Phong nhưng Hồ Hoài Anh hiện là giám khảo, Nguyễn Hải Phong bận công việc. Tôi đánh giá cao về gu âm nhạc của Lưu Thiên Hương nhưng cô ấy chưa có nhiều kinh nghiệm về việc dựng bài. Giọng hát Việt nhí mùa đầu rất thành công nên những người làm chương trình cũng áp lực hơn.

Vai trò giám đốc âm nhạc của nhân tố bí ẩn rất lớn, đồng nghĩa với khối lượng công việc rất nhiều. Chị sắp xếp thế nào để có thời gian dành cho Đồ Rê Mí?

Tôi được nghỉ một tháng bên Nhân tố bí ẩn trước khi vào làm live từ ngày 27/7. Mới đầu, khi chương trình mời tôi tham gia Đồ Rê Mí, tôi không nhận lời vì không có thời gian. Đồ Rê Mí được phát sóng vào tất cả các tối chủ nhật trong khi X Factor chuẩn bị lên live cũng vào thời gian này. Nhưng bên ban tổ chức đề nghị tôi ngồi ghế nóng trong 5 tập đầu tiên, sẽ quay vào thứ 5, 6. Sau đó, tôi chưa nhận lời thêm gì.

Hiện nay có rất nhiều gameshow dành cho trẻ em. Nhiều người lo sợ các bé sẽ lơ là việc học văn hoá. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Tất cả các cuộc thi đều được tổ chức vào mùa hè cho nên nói lơ là việc học cũng không đúng. Tại sao mọi người không nghĩ đây là một việc tốt khi vào dịp hè, có người tổ chức cho các bé những sân chơi như vậy. Tôi nghĩ, nên để các bé tiếp xúc với âm nhạc để có thể đối nhân xử thế nhẹ nhàng hơn.

Luôn là gương mặt quan trọng trong các cuộc thi, chắc chắn sẽ có nhiều phụ huynh muốn nhờ vả, gửi gắm con em họ cho chị. Khi đó chị sẽ làm thế nào?

Tôi rất khó tính nên không ai dám lại gần. Mặc dù trong lòng tôi rất mềm nhưng bề ngoài, ai cũng nói tôi khó gần. Nhiều khi mọi người cứ nói tôi chảnh, thật sự không có như vậy.

Làm cho người lớn phức tạp nhưng làm cho trẻ em cũng không hề đơn giản. Hai chương trình này mang những đặc điểm, đặc trưng khác nhau. Làm cho trẻ em mình phải hết sức khéo léo, cái khéo léo trong sự chân thật. Làm sao cho bé đừng khóc, làm sao cho phụ huynh không hiểu lầm. Đâu phải chỉ phục vụ cho các bé, phải phục vụ cho cả các bậc cha mẹ nữa. Phụ huynh mới là vấn đề quan trọng.

Nhiều người nhận xét, những người hoạt động trong giới showbiz luôn khéo léo và không để mất lòng ai. Nhưng thực tế là bằng mặt mà không bằng lòng. Còn bản thân chị thì sao?

Tôi không phải là người khéo léo, tôi là người rất thẳng thắn. Ai hiểu được thì thương, ai không hiểu được sẽ nghĩ khác. Đồng nghiệp trong TP.HCM ai cũng biết tính tôi. Tôi có sao nói vậy, có sao thể hiện vậy. Thấy tôi nói thẳng mọi người chỉ mắc cười chứ không mất lòng. Ở độ tuổi 44, tôi nghĩ là tôi đủ tuổi đời, tuổi nghề để có thể nói thẳng và giúp mọi người tốt hơn.

Tính tôi cũng không bao giờ biết giận, ghen ghét ai. Mình cứ nghĩ ghen ghét người khác thì mãi chỉ nhìn xung quanh thôi. Con đường của mình, mình cứ đi. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sao người ta được cái này mà mình không được và luôn hỏi bản thân xem đã làm tốt chưa mà nói người ta.

Theo Theo Zing