Phương Tây ra sức cáo buộc Nga
Anh và Hà Lan là 2 quốc gia phương Tây đầu tiên lên tiếng cáo cuộc Nga tiến hành tấn công mạng trên khắp thế giới.
Ngày 4/10, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã cáo buộc Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) chỉ đạo thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm làm suy yếu các nền dân chủ ở phương Tây bằng cách gây nhiễu loạn trong mọi thứ, từ thể thao, giao thông vận tải cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016.
Tiếp theo cũng trong ngày 4/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho biết nhà chức trách nước này đã ngăn chặn âm mưu của Nga nhằm vào Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) hồi tháng 4 và trục xuất 4 điệp viên Nga.
Ngay sau cáo buộc của Anh và Hà Lan, một loạt các quốc gia phương Tây khác đứng đầu là Mỹ cũng vào hùa với London và Amsterdam tổ chức chiến dịch tuyên truyền rầm rộ nhằm chống lại Moscow.
Ngày 4/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 7 đặc vụ của Cơ quan Tình báo GRU của Nga tham gia âm mưu tấn công mạng quy mô lớn tại nhiều quốc gia. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về An ninh Quốc gia John Demers cho biết, những mục tiêu trong các vụ tấn công mạng này bao gồm Tổ chức OPCW, các tổ chức thể thao toàn cầu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim cho rằng, Nga phải trả giá và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng một số lựa chọn đáp trả. Mỹ bày tỏ sự tán thành với các tuyên bố rõ ràng của Anh và Hà Lan về vụ việc này.
Bên cạnh đó, Pháp, Australia, Canada cũng cáo buộc Nga đứng sau âm mưu tấn công mạng các cơ quan tại 3 nước này.
Tối ngày 4/10 Pháp đã chỉ trích việc Nga dàn xếp một loạt vụ tấn công mạng ở quy mô toàn là "nghiêm trọng và đáng quan ngại". Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ: "Những sự việc được báo cáo này là nghiêm trọng và đáng quan ngại. Pháp bày tỏ sự đoàn kết hoàn toàn với các đồng minh và các tổ chức quốc tế là đối tượng của những vụ tấn công như vậy".
Thủ tướng Australia Scott chỉ trích Nga gây ra thiệt hại hàng triệu USD cho nền kinh tế và gây hại cơ sở hạ tầng dân sự ở những nơi khác khi tiến hành những vụ tấn công như vậy.
Trong ngày 4/10, Canada cho biết nước này cũng là nạn nhân của GRU. Bộ Ngoại giao Canada cho biết phát hiện bằng chứng có độ xác thực cao cho thấy "GRU có trách nhiệm" trong vụ tấn công mạng nhắm vào Trung tâm đào tạo thể thao quốc gia và trụ sở Cơ quan Chống doping thế giới tại thành phố Montreal.
Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) và Khối hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) ngày 4/10 cũng lên án chiến dịch gián điệp mạng của Moscow.
Trong một tuyên bố, các quan chức hàng đầu EU này cho biết: "Hành động khiêu khích này đã cho thấy sự coi thường mục đích của OPCW, đó là hoạt động để loại bỏ vũ khí trên thế giới dưới sự ủy thác của Liên hợp quốc".
Khối NATO cũng lên tiếng kêu gọi Nga phải chấm dứt tấn công mạng phương Tây. Ngày 4/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Moscow chấm dứt cách hành xử "liều lĩnh" của họ.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 6 quốc gia phương Tây và 2 tổ chức quốc tế gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Australia, Canada và EU, NATO đã đưa ra các cáo buộc Nga đứng sau các nỗ lực tấn công mạng,
Nga cực lực phản đối
Ngay sau các cáo buộc của phương Tây, Nga lập tức đưa ra các phản đối dữ dội.
Hãng TASS đưa tin, Nga ngày 4/10 đã bác cáo buộc của Anh và Hà Lan, đồng thời cho rằng những cáo buộc này là “vô lý, vô giá trị và vô căn cứ” và là một phần của chiến dịch thông tin giả hòng gây phương hại các lợi ích của Nga.
Trong khi đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã cáo buộc phương Tây mắc hội chứng "hoang tưởng về gián điệp", và tuyên bố rằng Moscow là nạn nhân của một chiến dịch tuyên truyền nhằm trực tiếp vào quốc gia này.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, những cáo buộc trên của phương Tây là sản phẩm của ai đó "giàu trí tưởng tượng".
Các nhà phân tích cho rằng, động thái trên nằm trong một chiến dịch tuyên truyền công kích chung của các nước phương nhằm vào một loạt âm mưu tấn công mạng quy mô lớn bị cho là có liên quan tới Nga, qua đó nhằm gây phương hại tới lợi ích của Nga trên toàn thế giới.