Phục hồi rừng đầu nguồn lưu vực sông Srêpốk cách nào?

TPO - Các nhà nghiên cứu trường Đại học Tây Nguyên, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra nhiều thách thức trong việc phục hồi rừng đầu nguồn lưu vực sông Srêpốk.

Sáng 23/11, tại trường Đại học Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Đại học Tây Nguyên tổ chức hội thảo “Phục hồi rừng gắn với cải thiện sinh kế người dân lưu vực sông Srêpốk”. Tham gia hội thảo có có hơn 70 đại biểu đại diện cho các nhà nghiên cứu Đại học Tây Nguyên, Tropenbos Việt Nam, các chủ rừng, cộng đồng bảo vệ rừng và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Lưu vực sông Srêpốk thuộc tỉnh Đắk Lắk là một trong những vùng có tiềm năng lớn về lâm nghiệp và gắn liền với sinh kế của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, rừng Đắk Lắk nói riêng và của Tây Nguyên nói chung đang bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích, chất lượng… đã ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.

Trong thời gian qua, các nhà nghiên cứu của Tropenbos Việt Nam và Đại học Tây Nguyên đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu về thực trạng và đề xuất giải pháp phục hồi cảnh quan rừng gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng người dân lưu vực sông Srêpốk chảy qua hai huyện Lắk và Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã nêu lên những thực trạng và hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng của các cộng đồng huyện Lắk và Krông Bông. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất hướng chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các chủ rừng là cộng đồng, hộ gia đình và nhóm hộ tại Đắk Lắk.

Các hộ dân, cộng đồng quản lý rừng tham gia hội thảo cũng chia sẻ về những kinh nghiệm phục hồi rừng. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra các khuyến nghị về việc phục hồi rừng đầu nguồn lưu vực sông Srêpốk để các nhà quản lý và hoạch định chính sách rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển, phục hồi rừng Tây Nguyên trong thời gian tới.

TS. Cao Thị Lý trình bày nghiên cứu tại hội thảo

TS. Cao Thị Lý - Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó trưởng khoa Nông lâm nghiệp Đại học Tây Nguyên, cho biết: Từ nghiên cứu của Đại học Tây Nguyên và Tropenbos Việt Nam cho thấy, có nhiều thách thức trong phục hồi rừng hiện nay đối với các chủ thể quản lý rừng là cộng đồng và hộ gia đình.

Theo đó, rừng được giao bị chồng lấn và lấn chiếm không thể thu hồi được; nhiều nhóm hộ không xác định được ranh giới rừng được giao; tranh chấp đất rừng được giao cho các nhóm hộ và thiếu cơ chế hưởng lợi cụ thể cho cộng đồng để họ bảo vệ, phát triển những diện tích rừng nghèo được giao.

“Trong khi đó, có nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi rừng đầu nguồn lưu vực sông Srêpốk. Rừng được giao cho hộ dân, cộng đồng đa phần là rừng nghèo và người dân lại gặp khó khăn về vốn đầu tư trồng rừng nên e ngại đầu tư trồng rừng.

Việc hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa góp phần cả thiện thu nhập cho các hộ gia đình nên họ chưa chú trọng đến bảo vệ rừng. Người dân rừng đầu nguồn lưu vực sông Srêpốk gặp khó khăn khi xử lý các trường hợp vi phạm ngay trên rừng được giao và chưa tìm được cây trồng phù hợp trên diện tích đất rừng bạc màu…”, TS. Cao Thị Lý cho biết thêm.