Phú quý giật lùi

Nguồn tin đáng tin cậy cho hay, gần đây, các tập đoàn, TCty nhà nước đã thực hiện giảm lương người lao động từ 5% - 30%. Vì sao các tập đoàn, TCty nhà nước lại thực hiện một biện pháp kỳ lạ, thể hiện sự "phú quý giật lùi" như vậy?

Tìm hiểu kỹ hơn thì được biết, thực hiện chương trình "tái cơ cấu", các tập đoàn, TCty nhà nước đã đăng ký với Bộ Tài chính về tiết giảm chi phí. Cụ thể, tính đến ngày 9-6-2012, có 83 tập đoàn, TCty và 4 NH đăng ký tiết giảm chi phí với tổng số tiền là 13.242.577 triệu đồng - một con số rất có ý nghĩa. Và, thực hiện cam kết ấy, biện pháp thấy rõ nhất là cắt giảm lương của người lao động.

Tại EVN, mức cắt giảm phổ biến là 10%, cá biệt, tại TCty Điện miền Bắc, mức cắt giảm tới 30%. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã giảm lương công nhân từ mức bình quân 7,7 triệu đồng xuống còn 7,2 triệu đồng/người tháng. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng giảm từ 5% đến 10%....

Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tiết kiệm chi phí không chỉ là cần thiết mà còn là đòi hỏi bắt buộc. Tuy nhiên, nhằm vào tiền lương của người lao động để "tiết giảm" là đang làm ngược, thể hiện xu thế "phú quý giật lùi" của những "quả đấm thép".

Chúng ta đều biết, có rất nhiều khoản chi phí cấu thành trong giá thành, chi phí sản xuất, kinh doanh của DN. Trong đó, có những khoản "tiết giảm" càng nhiều càng tốt, nhưng cũng có những khoản không thể và không nên "tiết giảm". Chẳng hạn, các khoản chi lãng phí vì phá đi làm lại do trình độ chuyên môn kém, các khoản phạt vi phạm hành chính, chi phí ăn, nhậu dưới cái tên "giao dịch, tiếp khách"... thì cần kiên quyết tiết giảm. Còn tiền lương của người lao động thì không thể coi là khoản "ưu tiên tiết giảm" được, vì điều đó đồng nghĩa với việc đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn hơn, năng suất lao động sẽ thấp hơn.

Ngay cả trong trường hợp, tiết giảm tiền lương là điều bất khả kháng thì cũng không thể áp đặt một tỉ lệ giảm chung cho người lao động ở những vị trí công tác khác nhau. Chẳng hạn, nếu mức "tiết giảm" lương là 20%, với chủ tịch tập đoàn, tổng giám đốc với mức lương từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng thì sau khi bị "tiết giảm", đời sống cũng hầu như không bị ảnh hưởng. Ngược lại, với người công nhân, có mức lương 5.000.000đ/tháng, bị "tiết giảm" 20% còn lại 4.000.000đ/tháng, chắc chắn sẽ phải "đánh vật" với cuộc sống hằng ngày!

Tham gia "tái cơ cấu" bằng việc "tiết giảm quỹ lương" rất có thể sẽ gây ra tác động ngược. Do bị "tiết giảm" vô lý, tiền lương không đủ sống, người lao động sẽ phải tìm mọi cách để có thêm thu nhập như tranh thủ làm thêm việc khác, thậm chí là gian lận trong thanh toán nếu có điều kiện. Quả là biện pháp "lợi bất cập hại".

Chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh đang là vấn đề "báo động" ở nhiều lĩnh vực. Cuộc cạnh tranh để giành giật "chất xám" giữa các doanh nghiệp dù âm thầm nhưng luôn luôn quyết liệt. Vì vậy, biện pháp "tiết giảm" lương của các tập đoàn, TCty nhà nước chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám". Sẽ có một làn sóng dịch chuyển lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi từ các tập đoàn, TCty nhà nước sang các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Khi đó, không biết kết quả của "tái cơ cấu" của các tập đoàn, TCty nhà nước sẽ là cái gì?

Luật gia Vũ Xuân Tiền/Lao động

Theo Đăng lại