Nếu hỏi phụ nữ căn bệnh nào họ sợ nhất, câu trả lời luôn là bệnh ung thư vú. Nhưng những quan niệm đó của nữ giới là sai lầm, bởi họ không nhận thức được chứng bệnh nguy hiểm đối với nữ giới là bệnh tim mạch, vì cứ ba người thì có một người bị bệnh tim.
Theo thời gian, mạch máu của chúng ta bị chất béo và cholesterol xấu tích tụ, bám vào thành mạch máu làm chúng nhỏ hẹp lại. Do đó, trái tim phải bơm mạnh hơn và áp suất máu gia tăng, gọi là huyết áp cao.
Nếu mạch máu bị ngăn cản hoàn toàn, máu không thể lưu thông được. Khi đó, một phần của tim không nhận đủ dưỡng khí, phần đó sẽ chết và hiện tượng nhồi máu cơ tim xảy ra.
Khi lượng cholesterol trong máu cao sẽ tạo nên một số hư hại xung quanh bờ thành mạch máu làm cứng và nghẽn các mạch máu gây xơ cứng động mạch.
Để phòng tránh bệnh tim mạch cần phải tuân thủ các qui tắc sau:
- Không hút và ngửi khói thuốc: Thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh lý tim mạch ở phụ nữ. Hơn 50% ca nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi liên quan đến hút thuốc.
Nếu ngưng hút thuốc lá, có thể giảm nguy cơ bệnh xuống 33% trong hai năm. Phụ nữ hút thuốc cộng với việc dùng viên thuốc tránh thai càng làm tăng nguy cơ bệnh.
- Kiểm soát huyết áp: Giảm cân, tập thể dục đều đặn và ăn uống điều độ, hợp lý là những cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp.
- Kiểm soát lượng cholesterol trong máu: Kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol và điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp.
Để phòng tránh các bệnh tim mạch, nên ăn ít nhất 45g các thực phẩm đậu tương lên men và khoảng 100g đậu phụ mỗi ngày.
Với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, khi ăn nhiều đậu tương, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch giảm xuống còn 25%.
- Kiểm soát cân nặng và tập thể dục đều đặn: Đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp hay bơi lội đều rất tốt cho tim. Nên tập từ 30 - 60 phút, bốn đến sáu lần mỗi tuần.
Bên cạnh đó, sắp xếp công việc hợp lý, để có thời gian thư giãn, giải trí... đầu óc tinh thần thoải mái, giúp giảm thiểu stress và tốt hơn cho hệ tim mạch.
- Ăn uống với chế độ ít béo: Nên giữ khẩu phần chất béo dưới 30% tổng lượng calories đưa vào cơ thể mỗi ngày. Cần đảm bảo một tỉ lệ cân đối giữa nguồn chất béo động vật và chất béo thực vật.
Trong đó, nên giảm lượng chất béo động vật và tăng chất béo có nguồn gốc thực vật, ví dụ như đậu nành. Sữa đậu nành có tác dụng rất tốt đối với tim mạch.
Ở Nhật, các bác sĩ xem sữa đậu nành là loại dược phẩm thiên nhiên, có tác dụng hữu hiệu, ngăn ngừa các chứng bệnh tim như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Bởi vì, trong đậu nành không những không có cholesterol mà protein đậu nành còn có khả năng làm giảm lượng cholesterol dư thừa trong máu.
Những người dùng sản phẩm từ đậu nành đều giảm được lượng cholesterol xấu và nguy cơ bệnh tim giảm 20% - 25%. Trong đậu nành có hai loại acid béo quan trọng là lecithin và linoleic, có tính chống thất nhịp tim, giúp tim đập điều hòa.
Chính vì những đặc tính có lợi cho tim mạch của đậu nành mà Cơ quan Quản lý dược thực phẩm (FDA) của Mỹ tuyên bố rằng, thực phẩm có chứa protein đậu nành giúp giảm nguy cơ bệnh tim và cho phép các thực phẩm chứa đậu nành được dán nhãn “thực phẩm tốt cho tim”.