Phông bạt

TP - Trong cuốn Sapiens - Lược sử loài người, sử gia Yuval Noah Harari đã mường tượng “Nếu lặn lội ngược về Đông Phi 2 triệu năm trước, có lẽ bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng quen thuộc của những loài giống như con người, những đấng mày râu ưỡn ngực cố gây ấn tượng với những bóng hồng xung quanh...”. Vậy là từ thời hang động con người tiền sử đã biết sống kiểu phông bạt, khoe mẽ rồi.

Chứ đâu đợi đến thời điểm bão số 3 (YAGI) vừa quét qua các tỉnh phía Bắc, kèm theo những trận mưa lũ, sạt lở kinh hoàng, đến phong trào quyên góp, cứu trợ trải rộng khắp nơi cùng hàng vạn trang sao kê tiền ủng hộ, mới xuất hiện và phổ biến khái niệm “phông bạt” trong lối sống, hành vi nhiều người.

Tiếng Việt mình có vẻ khá khan hiếm vốn từ chuyên sâu khi đề cập về khoa học, công nghệ, kinh tế, nhưng lại đầy uyển chuyển, dân dã và lý thú khi đụng chạm đến những câu chuyện xã hội. Mà “phông bạt” là một hoán dụ không cần phải giải thích.

Một nam thanh niên thừa nhận việc mình phông bạt và xin lỗi mọi người.

Đời ai mà chả phông bạt, muốn phô trương sự nổi bật của mình. Từ bảng điểm, trường học của con, đến bức ảnh đẹp, bộ váy mới, căn nhà, chiếc xe, những chuyến du hí đẳng cấp... Từ những bài viết, cuốn sách, bức tranh, bản nhạc, đến những thành quả khác biệt. Điều đó cũng không sao, nếu tất cả đều là thực chất, đều có thật. Thậm chí còn tạo ra động lực phấn đấu cho nhiều người khác.

Nhưng một khi lối sống chuyên được ngụy tạo, tạo dựng bởi những câu chuyện, hình ảnh giả dối, lắp ghép vay mượn thì xã hội trở nên đáng báo động.

Những báo cáo, số liệu “đẹp” từ địa phương, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp; những quan chức chuyên nói lời có cánh, tượng đài hoành tráng nhưng địa phương vẫn phát triển đì đẹt, dân vẫn nghèo, thì khái niệm “phông bạt” chắc cũng chưa đủ để lột tả. Bao nhiêu đứa trẻ vì bị phông bạt của cha mẹ đè nặng khiến phải nhảy lầu tự tử hoặc trầm cảm lơ ngơ? Bao nhiêu bất bình xã hội, từ những trò phông bạt thổi giá của các dự án bất động sản, đa cấp? Bao nhiêu người bị lừa bởi những thứ hào nhoáng phô trương, “hồ giả hổ uy” trên mạng và đời thực?...

Khó thể kể hết được. Nhất là đang giữa kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, ranh giới giữa thật và ảo chưa bao giờ mong manh đến thế. AI đã nâng khả năng và tầm vóc của con người trở nên “khổng lồ” hơn mọi thời đại. Nhưng nó cũng cầm tay con người dẫn dắt đi khắp những mê cung chừng như không bao giờ có điểm cuối. Mà chỉ có thể sống chung với thế giới ảo, nay đã được định danh là “thực tại ảo”. Công nghệ bây giờ giúp con người ta dễ dàng được biết đến nhiều hơn, dễ dàng thể hiện cái tôi riêng biệt, nhưng cũng chỉ với một lằn ranh là có thể chuyển sang “ăn” người, từ lừa mị thành lừa đảo. Khiến đảo lộn mọi thứ giá trị.

Liệu đến lúc nào đó, mỗi con người trên hành tinh này sẽ phải trang bị cho mình một thứ công cụ VAR cầm tay tiện lợi, để thỉnh thoảng tự soi lại chính mình, và mọi thứ phông bạt xung quanh?