Phố Wall bùng nổ giao dịch
> Phố Wall tuột dốc không phanh
> Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt đi xuống
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ trong phiên giao dịch 3-8, chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp, nhưng những lo lắng về nền kinh tế vẫn khiến nhà đầu tư bồn chồn và giao dịch biến động bất thường.
Khối lượng giao dịch bùng nổ, với hơn 10 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên toàn thị trường, khi chỉ số S&P trong phiên có lúc chìm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, trước khi chốt phiên tăng nhẹ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh sau chuỗi ngày bị bán tống bán tháo đã góp phần nâng bật các chỉ số. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, xu hướng tăng điểm chỉ xảy ra trong ngắn hạn do chỉ số S&P đã hạ tới 6,8% trong 7 phiên vừa qua.
Những thông tin kinh tế yếu kém về chi tiêu tiêu dùng và hoạt động sản xuất của nhà máy cho thấy tình trạng bấp bênh của nền kinh tế. Cùng với đó, nhà đầu tư còn lo lắng về khủng hoảng nợ công ở châu Âu.
Chốt phiên 3-8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 29,82 điểm, tương ứng 0,25%, lên 11.896,44 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 6,29 điểm, tương ứng 0,50% lên 1.260,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 23,83 điểm, tương ứng 0,89%, lên 2.693,07 điểm.
Hôm qua, cổ phiếu của nhà sản xuất điện thoại BlackBerry - RIM đã tăng 4,9% sau khi ra mắt hai phiên bản BlackBerry Torch cảm ứng mới, trong một nỗ lực giành lại thị phần đã mất vào tay Apple và Google. Chỉ số S&P công nghệ tăng 1,2%.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu năng lượng trượt mạnh. Chỉ số S&P năng lượng hạ 0,6%. Trên sàn New York, có 1.725 mã cổ phiếu tăng điểm so với 1.274 mã giảm điểm. Còn ở sàn Nasdaq, tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 1.511 so với 1.054.
Trái ngược với thị trường Mỹ, khu vực chứng khoán châu Âu tiếp tục đỏ lửa. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt mạnh 2,34% xuống còn 5.584,51 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1,93% xuống 3.454,94 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 2,3% xuống còn 6.640,59 điểm.
Tương tự, khu vực chứng khoán châu Á có ngày giảm điểm mạnh thứ hai kể từ tháng 3 tới nay. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,3% xuống 133,52 điểm. Như vậy, tính chung trong hai ngày 2-3/8, chỉ số này đã để mất tới 3,9%, mạnh nhất kể từ ngày 15-3.
Tiếp tục dẫn đầu thị trường về mức giảm điểm là chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc với 2,59% xuống còn 2.066,26 điểm, chủ yếu là do nhóm cổ phiếu blue-chip trong lĩnh vực xuất khẩu lao dốc mạnh. Các cổ phiếu của Samsung Electronics, Hynix Semiconductor, Hyundai hay Kia Motors đồng loạt giảm ít nhất trên 2%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,11% xuống 9.637,14 điểm, mức chốt thấp nhất trong vòng 5 tuần qua, dưới mức kháng cự trung bình 100 ngày giao dịch. Đây cũng là phiên mà chỉ số này giảm mạnh nhất kể từ sau thảm họa kép động đất - sóng thần hôm 11-3.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,91% xuống 21.992,70 điểm. Chỉ số Taiex của Đài Loan hạ 1,49% xuống 8.456,86 điểm. Chỉ số Straits Times của Singapore trượt 1,47% xuống còn 3.130,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ nhẹ 0,03% xuống 2.678,49 điểm.
Theo Dương Lâm
VnEconomy