Phim Việt về nữ lao công yêu chủ tịch kém 20 tuổi bị chỉ trích thảm họa

TPO - Phim "Mẹ lao công học yêu" vừa lên sóng đã bị chỉ trích vì tình tiết đạo nhái phim Trung Quốc. Khán giả chê lời thoại của phim sến sẩm, gượng gạo, ê-kíp cố làm phim thảm họa để câu tương tác. 

Web drama Mẹ lao công học yêu vừa lên sóng tập đầu hôm 19/12 đã nhận nhiều ý kiến trái chiều về kịch bản. Phim kể về người phụ nữ trung niên giàu có tên Mỹ Hằng (diễn viên Thùy Trang) trải nghiệm cuộc sống của một nhân viên tạp vụ.

Nữ chính là phụ nữ trung niên giàu có đóng giả làm lao công.

Trong một đêm làm việc, Mỹ Hằng vô tình cứu Nhật Duy (diễn viên Huy Cường) - chủ tịch trẻ tuổi của một tập đoàn lớn - khỏi âm mưu bị hãm hại. Sau khi qua đêm với Mỹ Hằng, Nhật Duy đưa cho cô một khoản tiền. Qua vài lần tiếp xúc, Nhật Duy nhanh chóng rơi vào lưới tình với người phụ nữ hơn mình 20 tuổi.

Mối tình bị cấm cản vì nữ chính là bạn cũ của bố mẹ nam chính. Bố nam chính từng cầu hôn nữ chính nhưng bị từ chối.

Phim vừa chiếu đã nhận chỉ trích của khán giả vì kịch bản quá nhiều nét tương đồng với phim Tổng tài yêu tôi, một phụ nữ mãn kinhcủa Trung Quốc. Phim cũng có chi tiết chủ tịch ngoài 20 tuổi qua đêm với người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Sáng hôm sau, anh đưa cho người phụ nữ này hơn 2 triệu USD phí "bồi thường tổn thất". Cả hai nhanh chóng nảy sinh tình cảm bất chấp khoảng cách tuổi tác.

Diễn xuất của nam nữ chính lẫn diễn viên phụ đều bị chê.

Tổng tài yêu tôi, một phụ nữ mãn kinh nằm trong danh sách phim bị Tổng cục Phát thanh Truyền hình Trung Quốc chấn chỉnh vì kịch bản vô lý, lệch lạc.

Tương tự, web drama Mẹ lao công học yêu của Việt Nam cũng bị ném đá vì bắt chước những tình tiết nhảm nhí. Khán giả chê lời thoại của phim sến sẩm, gượng gạo với những câu như: "Chị nghỉ việc ở nhà đi, ở nhà tôi nuôi" hay "Đây là 10 tỷ, cầm lấy và biến khỏi con trai của tôi". Bối cảnh phim khá sơ sài, diễn viên không ra dáng chủ tịch hay con nhà tài phiệt.

Mỗi tập phim được đăng trên Facebook hút cả trăm bình luận của khán giả. Hầu hết chỉ trích phim ăn theo kịch bản của Trung Quốc nhưng diễn xuất chưa tới. "Phim tâm lý xã hội gì mà như phim hài, lời thoại không chấp nhận nổi", "Chắc nhà sản xuất cố tình làm phim thảm họa để kéo tương tác" - một số khán giả bình luận.

Ở Trung Quốc, dòng phim tổng tài không còn hút người xem vì kịch bản cũ kỹ, tình tiết phi lý. Tại Việt Nam, một số web drama theo chủ đề "chủ tịch giả nghèo và cái kết" cũng thường xuyên bị ném đá.