Phi hành gia ‘cô đơn nhất lịch sử’ Mỹ qua đời vì ung thư

TPO - Michael Collins, phi hành gia NASA đã cùng tàu vũ trụ Apollo 11 chinh phục Mặt trăng, vừa qua đời ở tuổi 90, sau khi chiến đấu với bệnh ung thư.
Từ trái qua, phi hành gia Neil Amstrong, Michael Collins và Edwin E. Aldrin. (Ảnh: NASA)

Gia đình ông thông báo tin này hôm 28/4 trên trang Facebook của ông.

“Chúng tôi đau buồn thông báo rằng người cha, người ông yêu quý của chúng tôi hôm nay đã qua đời, sau cuộc chiến can đảm với bệnh ung thư”, thông báo viết.

NASA cũng thông báo về sự ra đi của ông Collins. “Hôm nay, cả nước mất đi một người tiên phong thực sự đã cống hiến cả đời cho công cuộc khám phá, Michael Collins. Ông là phi công của mô-đun chỉ huy của tàu Apollo 11, đôi khi được gọi là 'người đàn ông cô đơn nhất lịch sử' khi bay quanh Mặt trăng trong khi những đồng nghiệp của ông đáp xuống bề mặt hành tinh này. Ông cũng ghi dấu ấn trong chương trình Gemini và với tư cách phi công của Không quân Mỹ”, quyền giám đốc NASA Steve Jurczyk nói trong một thông báo.

Ông Collins sinh ra ở Ý, sau đó trở thành phi công của Không quân Mỹ và phi hành gia trong chương trình Gemini. Ông là người Mỹ thứ ba đi trong không gian, NASA cho biết.

Collins được chọn tham gia vào chương trình vũ trụ của NASA từ năm 1963. Ông đã bay vào vũ trụ hai lần.

Chuyến bay đầu tiên của ông diễn ra năm 1966, trong đó ông và phi công John Young đã thực hiện cuộc hẹn trên quỹ đạo khi đưa hai tàu vũ trụ gặp nhau.

Trong chuyến đi với tàu Apollo 11 vào năm 1969, Collins là một trong 24 phi công bay lên Mặt trăng và ông đã bay quanh hành tinh này 30 lần.

Trước khi trở thành phi hành gia, Collins tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ.

Sau khi nghỉ hưu ở NASA năm 1970, Collin trở thành trợ lý ngoại trưởng Mỹ. Một năm sau, ông trở thành giám đốc Bảo tàng hàng không và vũ trụ quốc gia Mỹ. Ông làm ở vị trí này đến năm 1978 rồi từ chức để làm tại Viện Smithsonian. Cùng với các đồng đội trên tàu Apollo 11, Collin được trao Huân chương tự do của tổng thống vào năm 1969 và Huy chương vàng của quốc hội vào năm 2011.

Theo CNN