Tại hội nghị khoa học quốc tế “Định hướng tương lai chiến lược phát triển chuyên ngành ung bướu” được tổ chức vào sáng 19/12, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy- GĐ Bệnh viện Tai- Mũi- Họng TPHCM cho biết tại BV đã phẫu thuật thành công cho 32 bệnh nhân ung thư thanh quản bằng laser, phương pháp này mang lại hiệu quả rất khả quan.
Theo BS Thủy, do thanh quản có vai trò rất quan trọng trong việc phát âm và hô hấp, do đó các phương pháp điều trị ung thư thanh quản luôn gắn với việc bảo tồn chức năng. "Việc sử dụng laser để điều trị bệnh có hiệu quả điều trị ung thư giai đoạn sớm và bảo tồn chức năng tốt hơn so với phương pháp mổ hở, xạ trị và hóa trị"- bác sĩ nói và cho biết với phương pháp mổ hở thì bác sĩ phải tạo vết mổ trên cổ khoảng 10cm để lấy khối u bên trong trong khi phẫu thuật nội soi bằng laser, bác sĩ nhìn qua kính hiển vi nên khả năng lấy sạch tế bào ung thư cao hơn so với mổ hở nhìn bằng mắt thường.
Để tiến hành sử dụng laser điều trị ung thư thanh quản, các BS sẽ tiến hành gây mê đặt nội khí quản cho bệnh nhân, đặt soi treo thanh quản, đánh giá tổn thương dưới nội soi trực tiếp bằng các ống nội soi sau đó tiến hành cắt dây thanh, dùng laser đánh dấu giới hạn trước, sau và phía ngoài phần u sẽ cắt bỏ.
Kết quả phương pháp điều trị này tại BV Tai Mũi Họng cho thấy cả 32 bệnh nhân không có trường hợp nào phải mở khí quản hay đặt ống nuôi ăn sau phẫu thuật, chức năng hô hấp và chức năng nuốt được bảo toàn tối đa. Thời gian nằm viện sau mồ dao động từ 3-5 ngày, bệnh nhân hồi phục chức năng phát âm sau 1-3 tháng.
Cũng theo BS Thủy, theo kết quả đánh giá trên tổng số 32 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp laser, có đến 93.8% bệnh nhân có tiền căn hút thuốc lá.
Theo các chuyên gia, nếu khàn tiếng kéo dài quá 2 tuần xảy ra ở người trên 40 tuổi, đã dùng những thuốc kháng viêm thông thường nhưng không khỏi thì phải đi khám tai mũi họng để có những biện pháp điều trị kịp thời. Để phòng ngừa căn bệnh này cần phải tránh xa thuốc lá, dù là hút thuốc thụ động.
Ung thư thanh quản là căn bệnh phổ biến chiếm khoảng 20% trong các bệnh ung thư nói chung và đứng thứ 2 trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ (chỉ sau ung thư vòm họng). Bệnh thường gặp chủ yếu ở nam giới, độ tuổi từ 40-60.