Chương trình do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội kết hợp với Hội đông Y Hoàn Kiếm tổ chức. Với mong muốn tạo ra một hoạt động ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là nghề y học cổ truyền tại phố Lãn Ông.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Trần Thị Thúy Lan cho biết: "Buổi tọa đàm Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với phát triển phố nghề Lãn Ông" là hoạt động rất có ý nghĩa trong khu phố cổ Hà Nội, đồng thời vừa là nhiệm vụ, vừa là cơ hội của người dân và tất cả các cơ quan hữu quan. Đây cũng là dịp để các đại biểu, chuyên gia và các thầy thuốc được góp ý, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong việc kế thừa những bài thuốc hay, kinh nghiệm quý, phương pháp mới để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó cũng đưa ra những giải pháp nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ lương y, nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho nhân dân".
Tại chương trình, GS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của nghề đông y. Qua đây, giáo sư đã đưa ra những thực trạng công tác phát triển Đông y trên cả nước và đặc biệt là trên phố thuốc Lãn Ông. Cuối phần phát biểu, GS Đậu Xuân Cảnh cũng đã nêu một số giải pháp góp phần vào việc phát triển nghề Đông y gắn với phố nghề Lãn Ông đồng thời phát triển du lịch trên phố nghề.
Trong phần góp ý, Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Nhàn (Trưởng phòng y tế quận Hoàn Kiếm) cho biết: "Về y học cổ truyền hiện nay trên địa bàn quận có 30 phòng chẩn trị y học cổ truyền và phòng khám đông y, có 68 cơ sở kinh doanh dược liệu. Hoạt động của các phòng khám và phòng chẩn trị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có những thành công nhất định, đóng góp rất nhiều trong công tác sức khỏe nhân dân toàn quận, bên cạnh đó cũng thu hút được một lượng du khách đến để khám và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh".
Để thúc đẩy sự phát triển, tháo gỡ những khó khăn còn tồn đọng, phòng y tế quận cũng như các phòng ban chức năng đã thông tin đến Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và các phòng ban chức năng khác tham mưu cho UBND quận để có những giải pháp phục hồi, chấn hưng nền y học cổ truyền trên địa bàn quận, đồng thời cũng để phát huy phố nghề Lãn Ông gắn với du lịch quận.
"Một điều nữa chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh truyền thông về nghề đông y cũng như phố nghề Lãn Ông trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, báo đài,...Bên cạnh đó cũng cần một tour du lịch dẫn đến tuyến phố để người dân và du khách có dịp tiếp cận, trải nghiệm và hiểu sâu hơn về nghề đông y nói chung và nghề đông y trên phố Lãn Ông nói riêng", Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, vấn đề phát triển phố nghề nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các chuyên gia. Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe để người dân vừa có thể tham quan lại vừa có thể trải nghiệm thực tế, như thế sẽ đem lại hiệu quả truyền thông cao và phù hợp với xu thế ngày nay. Song để làm được điều này, cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và kĩ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu và khách mời cũng đề xuất giải pháp nâng cao sức khỏe của nhân dân, lan tỏa những giá trị mà phố nghề Lãn Ông đem đến cho người dân Thủ đô nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố" diễn ra từ ngày 19/4 đến 15/5. Đây là chuỗi hoạt động văn hóa hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2024), 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/05/1886 – 01/05/2024) và hướng đến sự kiện Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hoá và sự kiện lịch sử niên khoá 2023 – 2024”.