Phát triển năng lượng sạch theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị

Với tư cách là bộ quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá sẽ khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo

Đồng bộ giữa nguồn và lưới điện

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với tư cách là bộ quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII, đồng thời rà soát bổ sung cho Quy hoạch điện VII điều chỉnh làm sao cho “trúng” và bám sát các định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện, và đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện.

Trong bối cảnh thời gian qua các dự án điện mặt trời được phê duyệt phát triển phần lớn là các dự án điện do khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. Là doanh nghiệp tư nhân, nên hoạt động triển khai nhanh, không bị vướng quy trình thủ tục pháp lý, nhất là trong lĩnh vực vốn và quản lý các nguồn vốn, nên phát triển rất nhanh.

Trên thực tế, từ tháng 6/2019 đến nay đã có hơn 5.200MW điện mặt trời đã được đầu tư và được đưa vào vận hành. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã khẩn trương nghiên cứu và đề xuất theo hướng: Hoạt động đầu tư sẽ được xã hội hóa, còn quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện thuộc độc quyền nhà nước. Cụ thể là mọi nguồn lực xã hội có thể tham gia đầu tư vào đường dây và trạm điện, sau đó bàn giao lại cho nhà nước (đại diện là EVN quản lý). Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, EVN và doanh nghiệp.

Khi triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, khảo sát, đánh giá và bàn bạc với các địa phương để thống nhất tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng điện để đảm bảo năng lượng tái tạo công suất lớn hơn, đặc biệt là khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ.

Việc rà soát lại trong các quy hoạch nhất là Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế tại các khu vực phát triển điện tái tạo để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án nguồn điện quan trọng, các dự án truyền tải điện đảm bảo hài hòa cho các khu vực là biện pháp đầu tiên mà Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo thực hiện.

 

Thứ hai, Bộ Công Thương thống nhất với EVN để xác định các giải pháp tập trung huy động nguồn lực đẩy nhanh các dự án trong hệ thống truyền tải, giải tỏa tối đa công suất cho các nguồn điện mới đầu tư.

Thứ ba, Bộ Công Thương thông qua khảo sát đi đến thống nhất với địa phương nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai cơ chế thí điểm nhà các nhà đầu tư tư nhân đầu tư cho các dự án điện tái tạo có quy mô tương đối lớn, các nhà đầu tư có thể cùng phối hợp với nhau xây dựng hệ thống đường dây đấu nối, trạm biến áp cần thiết để đảm bảo đấu nối với lưới điện truyền tải quốc gia.

Việc tham mưu, chủ trì đề xuất chính sách đầu tư đồng bộ giữa nguồn và lưới điện của Bộ Công Thương sẽ giúp ngành năng lượng nước ta “Phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN” theo Nghị quyết 55-NQ/TW.

Khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư

Thời gian vừa qua, với sự tham mưu, đề xuất chính sách của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực điện năng đã có những chuyển biến tích cực trong huy động các nguồn lực, đặc biệt là tư nhân. Đến nay đã có 28% tổng công suất nguồn điện đến từ các doanh nghiệp tư nhân dưới các hình thức đầu tư đa dạng, có hiệu quả. Dư luận xã hội đánh giá cao Bộ Công Thương trong đề xuất một số cơ chế, chính sách mới về năng lượng sạch như: cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/207/QĐ-TTg); cơ chế giá cho điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg).

Quyết định 11 và Quyết định 39 là những thí điểm Bộ Công Thương đã làm tốt, vậy Nghị quyết 55-NQ/TW ra đời sẽ vận hành như thế nào, nhất là khi năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta vẫn còn tiếp tục căng thẳng trong nhu cầu điện năng? Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần phải vận dụng và triển khai ngay Nghị quyết này giải quyết bài toán cân đối cung cầu điện trong những năm tới.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị của hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, chủ đầu tư về đầu tư hạ tầng điện, về kinh tế tư nhân tham gia vào đầu tư nguồn và lưới điện, về phát triển năng lượng tái tạo…

Tập hợp những ý kiến, kiến nghị này, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần để các địa phương tận dụng được mọi nguồn lực xã hội và khai thác tốt các cơ hội do cơ chế của Quyết định 13, Quyết định 39 mang lại, cũng như yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị là  “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo”.